TINH HOA GIÁO DỤC 2
CỐI LÕI CỦA GIÁO DỤC, LÀ ĐÁNH THỨC TÌNH YÊU THƯƠNG
I. TÌNH YÊU LÀ SỰ SỐNG
Ngoài kết cấu các bộ phận của chiếc xe, có hai loại chất lỏng quan trọng
cho xe vận hành, đó là xăng và dầu nhớt. Xăng là nhiên liệu không thể thiếu để
hoạt động, còn dầu nhớt là nguyên liệu thứ hai giữ vai trò rất quan trọng. Nhớt
xe giúp bôi trơn cho các piston, máy vận hành trơn tru, làm mát các động cơ, chống
hoen gỉ. Nếu xe hết xăng ai cũng biết xe sẽ ngừng chạy, nhưng đó cũng không phải
chuyện to tát gì (nếu không quá xa chỗ cung cấp nhiên liệu), chỉ cần đổ xăng là
có thể đi tiếp. Nhưng nếu xe khô nhớt hoặc nhớt xe bẩn thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Chắc hẳn, không phải ai cũng biết những hậu quả mà nó mang lại. Vấn đề là nhớt
xe bị khô sẽ không có biểu hiện rõ ràng, nhanh chóng và dễ dàng khắc phục như
khi xe hết xăng. Nó âm thầm gây ra hư hại cho “ngựa sắt” của bạn, và khi vấn đề
biểu hiện ra bên ngoài thì bạn sẽ thấy rằng guồng máy của xe nhanh chóng trở
nên nóng hơn, những tiếng kêu bất thường kiểu như bạch bạch xuất hiện hoặc xe vẫn
có thể vận hành được nhưng đột ngột chết máy. Khi phát hiện ra sự cố, bạn đi
thay nhớt, liệu lúc đó xe có trở về đúng hiện trạng như ban đầu nữa không, lặp
lại nhiều lần như vậy xe sẽ bị hỏng.
Con người cũng như vậy, nếu ví các bộ phận của xe máy như cơ quan kiến
tạo nên cơ thể, xăng là thức ăn, đối với xe máy là nhớt, thì với con người đó
chính là yêu thương. Hãy tưởng tượng xem, bạn không ăn bạn vẫn có thể sống, tồn
tại được, với sự phát triển của khoa học như hiện nay, việc duy trì sự sống như
vậy là chuyện dễ dàng. Nhưng nếu con người mất đi tình yêu thương, hãy nghĩ xem
cá nhân đó sẽ như thế nào? Khoa học tiên tiến có cấy ghép được yêu thương cho họ?
Chúng ta là con người, không phải như máy móc có thể lập trình vào một ứng dụng
gọi là yêu thương.
Trong nghiên cứu của Tiến sĩ Masaru Emoto, Chủ tịch Học viện Hội Hado
Quốc tế (IHM), tác giả cuốn sách “Thông điệp của nước”. Đã lấy đối tượng là
tinh thể nước dưới sự tác động của tình cảm tích cực và tiêu cực, sau đó đưa ra
hàng loạt các kết quả thật đáng kinh ngạc ngoài những hiểu biết thường thức của
chúng ta.
Các thí nghiệm về tinh thể nước của vị tiến sĩ người Nhật Bản diễn ra
như sau:
Bước 1: Nước được đưa đi thực hiện các thí nghiệm (cho nước nghe hai bản
nhạc tương phản về ý nghĩa, được xem hai từ có nội dung hoàn toàn khác
nhau,...)
Bước 2: Sau đó nó được nhỏ vào 100 chiếc đĩa và để vào một máy ướp lạnh
trong hai giờ đồng hồ.
Bước 3: Các tinh thể nước đóng băng được đặt dưới một kính hiển vi để
chụp ảnh của nước đá với độ phóng đại từ 200 đến 500 lần.
Khi nước được xem chữ tình yêu hay biết ơn tinh thể nước biến đổi rất
đẹp. Phải chăng nước cảm nhận được ý nghĩa tích cực mà dòng chữ mang lại? “Thực
sự là không có gì quan trọng hơn tình yêu và lòng biết ơn trên thế giới này. Bằng
cách biểu lộ tình yêu và lòng biết ơn, nước ở quanh chúng ta và trong cơ thể
chúng ta sẽ thay đổi rất đẹp. Chúng ta muốn áp dụng điều này trong cuộc sống
hàng ngày, có phải vậy không?”, Tiến sĩ Emoto chia sẻ.
Kết quả ở trên đã cho chúng ta thấy rằng những tinh thể nước có kết cấu
vô cùng tuyệt vời khi được “xem” những từ ngữ mang tình cảm yêu thương, sự quan
tâm và ngược lại, kết cấu tinh thể trở nên xấu xí với những từ ngữ mang ý nghĩa
chê bai, ghét bỏ. Bạn có cảm thấy bất ngờ vì những kết quả đó không? Kết quả đó
vượt ra ngoài những suy nghĩ cố hữu của con người, rằng những sự vật khác đều
là vô tri vô giác. Thế nhưng bất ngờ không chỉ dừng lại ở đó, điều đáng ngạc
nhiên hơn nữa kết cấu tinh thể tệ đến mức không thể nhận ra hay nói cách khác sự
hủy hoại, sức tàn phá đến nhanh hơn khi người ta bỏ mặc, làm lơ và không đả động
gì đến chủ thể đó.
Con người cũng phản ứng tương tự, các nhà khoa học và chuyên gia tâm
lý cho rằng trong tù hình thức biệt giam là đáng sợ nhất. Biệt giam là một hình
thức tra tấn, bạo lực lên tinh thần, ở đó, người tù bị cô lập hoàn toàn với thế
giới. Nhưng có sức hủy diệt tinh thần ghê gớm, lúc đầu nó làm người ta gặp ảo
giác, hoang tưởng, dẫn đến khủng hoảng tinh thần, dần dần làm cho người đó phát
điên. Cuối cùng, phạm nhân muốn được chết, mặc dù vẫn có chỗ ăn chỗ ngủ, được
cung ứng thức ăn đầy đủ. Biệt giam hình thức tra tấn tâm lý mà ở đó người bị
giam, bị bỏ mặc, không được quan tâm, bị cắt đi cầu nối giữa người với người,
tước đoạt đi mọi cảm nhận về lý trí, tình yêu, sự tương tác. Chính vì thế mà
nhà tâm lý học Terry Kuipers kết luận rằng biệt giam phá hủy “phần người” trong
mỗi con người, ở khía cạnh nào đó điều này không giống như thí nghiệm của Tiến
sĩ Masaru Emoto hay sao?
Chúng ta thường thấy, dù ở đâu hay làm gì, khi sắp về với cát bụi thì
nguyện ước cuối cùng của bạn há chẳng phải là được về quê hương, về với cội nguồn
để an giấc hay sao? Đó chẳng phải là sợ cảm giác lạnh lẽo nơi đất khách quê người.
Về với quê hương, bạn chạm tới được những giọt mật cuối cùng của tình yêu
thương, của sự sống, mong mỏi cuối cùng sau bao ngày khát khao vật chất. Còn với
những người sinh thời vì một lý do nào đó phải đi bốn phương trời, làm ăn xa
quê, dăm ba tháng hay vài năm cũng cố tìm về quê chốn cũ, thăm người thân họ
hàng, bạn bè. Cũng chẳng phải chỉ để cảm nhận và đong đầy sự khô cạn của suối
nguồn yêu thương sau những tháng năm vơi cạn, khi phải lăn lộn giữa dòng đời
tìm cách mưu sinh.
Lại có những nơi trên trái đất con người đã và đang đạt đến sự cực thịnh
của văn minh vật chất, nhờ có công nghệ khoa học kỹ thuật đưa họ vươn đến ngưỡng
kỳ ảo, mà chúng ta cứ tưởng chỉ có trong những bộ phim viễn tưởng. Nhưng có một
nền văn minh khác đang bị bỏ quên, dần đánh mất đi đó là nền văn minh tinh thần,
mà trong đó hạt nhân cốt lõi là yêu thương, đang trên đà khủng hoảng, suy
thoái, bị dìm xuống vực sâu chưa từng thấy. Không biết từ bao giờ ở đây đã xuất
hiện những bức tường vô hình ngăn cách họ tương tác với nhau, những cặp mắt giữa
người với người nhìn nhau hờ hững, vô hồn, nụ cười xã giao niềm nở nhưng lạnh
tanh từ sâu bên trong. Dường như không ai thực sự cởi mở với nhau, không có sự
chia sẻ, cảm xúc được giấu kín và ngụy trang một cách thật hoàn hảo, ở đây sự kết
nối giữa các tâm hồn trở thành một thứ xa xỉ. Một cách vô tình hay cố ý họ đã tạo
nên những bức tường vô hình tự biệt giam chính mình, họ đã thất bại trong việc
liên kết và mở cửa trái tim. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Khi không có
ai lắng nghe và hiểu, bạn sẽ trở thành một quả bom sắp nổ.”
Con người ở những nơi đó, họ đã chọn cách ngừng kết nối bằng cách cắt
đi sự tương tác thực sự giữa người với người, hạt giống yêu thương cũng vì thế
không có cơ hội nảy nở. Vậy họ đã làm gì để tiếp tục tồn tại? Bạn hãy quan sát
cách họ tương tác với thú cưng của mình. Cứ mỗi lần trông thấy chủ là thú cưng
lại quẫy quẫy cái đuôi, chúng lao tới và như bổ nhào về phía họ, quấn quýt lấy
họ, chúng luôn ở bên mỗi khi họ cần, sau cùng là có khả năng lắng nghe, chúng sẽ
không cắt lời, cho dù chủ của chúng đã nói lan man nhiều giờ liền. Tất cả sự
yêu thương và tình cảm mà thú cưng dành cho chủ, tạo ra cho họ cảm giác còn được
sống, được hiện diện. Chúng bù đắp phần nào lỗ hổng trong tâm hồn và khỏa lấp
phần nào yêu thương nơi người chủ mình. Những người nuôi thú cưng xem thú cưng
như chó, mèo không khác gì một người bạn, cùng nhau đi chơi, trò chuyện, chăm
sóc, gần gũi với chúng thật tuyệt vời.
Nhưng không thể làm thế với đồng loại của mình, có vẻ như họ đã chọn
cách trốn tránh thay vì đối mặt và vượt qua chính mình.
Nhân vật Albus Dumbledore trong Harry Potter có nói: “Đừng xót thương
kẻ chết. Nhưng hãy xót thương kẻ sống, trên nhất là những kẻ sống mà không yêu
thương”. Đây không chỉ là câu nói hay về nội dung, còn là thông điệp tuyệt vời
vượt lên trên cả một câu cách ngôn thông thường, xuất phát từ con người vô cùng
uyên thâm, mạnh mẽ nhưng cũng hết sức dịu dàng.
(Còn nữa)
Trần Huy Toàn