HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 6 (TIẾP THEO)

CÁCH GIẢI QUYẾT SAI LẦM, THẤT BẠI GIÚP CON TRƯỞNG THÀNH BƯỚC VÀO ĐỜI

II. SAI LẦM, THẤT BẠI CÓ GIÁ TRỊ TƯƠNG TỰ NHƯ THÀNH CÔNG

Tuy nhiên sai lầm, thất bại cũng có “giá trị” của chúng: đứa trẻ sẽ không biết thế nào là làm đúng, khi chúng không làm sai một vài lần; không biết trưởng thành khi chưa hề trải qua mùi vị của thất bại. Trẻ càng nhỏ càng gặp nhiều sai lầm, thất bại thì dễ tìm đến được sự thành công.

Chung Ju Yung, người sáng lập Tập đoàn Hyundai từng nói rằng: “Tôi nghĩ cuộc đời không có thất bại. Không xem điều gì đó là thất bại thì đó không phải là thất bại. Tất cả chỉ đang là thử thách”. Minh chứng rõ nhất cho những điều mình nói, mà ai cũng có thể thấy được khi đọc quyển tự truyện của ông “Không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”.

Cuộc đời và sự nghiệp của Tỷ phú Jack Ma, cũng làm ông phải đính chính lại chân lý này: “Tôi học được rất nhiều điều từ sai lầm của mình, từ những thất bại, tôi không bao giờ sợ chúng vì tôi biết cuộc đời ai cũng vậy, có nhiều sai lầm và thất bại. Dù bạn có thông minh đến đâu, cũng sẽ gặp phải sai lầm. Bạn học hỏi từ sai lầm không phải vì bạn sẽ có thể tránh được khi nó đến, khi nào phải chịu đựng, mà bạn sẽ học cách giải quyết, làm thế nào để đối mặt với chúng.”

Sớm nhận biết được ý nghĩa của sai lầm, thất bại nên các tập đoàn lớn ở Hoa Kỳ như Amazon, Google,… lại thích tuyển dụng người từng có nhiều “kinh nghiệm thất bại” hơn là “luôn thành công”. Điều gì khiến thất bại trở nên đắt giá như vậy? Người bình thường họ hay làm những gì an toàn chứ không muốn mạo hiểm sáng tạo thêm thứ mới. Còn với người từng thất bại khi dũng cảm làm một điều gì đó, chính là người có khả năng thành công lớn hơn trong tương lai và bởi đã trải qua sai lầm nên họ hiểu rõ cái gì là đúng, những cái sai cũng in rất sâu trong tâm trí của họ.

Có thể khẳng định rằng sai lầm, thất bại cần thiết cho mọi đứa trẻ có thể học hỏi và tiến bộ.

Vài năm trở lại đây đất nước chúng ta cũng đề ra mục tiêu “Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp”, nhưng một trong những trở ngại lớn có thể khiến mục tiêu này bị hạn chế: “Việt Nam chưa có văn hóa chấp nhận thất bại và rủi ro”. Thậm chí nhiều doanh nghiệp, các thanh niên trẻ đã ý thức hơn về điểm yếu này nên đã đề ra khẩu hiệu: “Chúng ta cần học văn hóa chấp nhận thất bại và rủi ro. Khởi nghiệp là cuộc chơi dành cho những người dũng cảm”. Về lý thuyết, khẩu hiệu là như vậy, nhưng chúng ta chưa thật sự chấp nhận được điều này, vẫn còn sợ, vẫn chưa thực sự biết cách đối mặt và học được gì đó sau sai lầm, thất bại.

Vì đó mới chỉ là những suy nghĩ bản lề của phần ý thức, chưa thực sự đả động thay thế được phần tiềm thức nơi hình thành nên chuẩn nền tư duy để thay thế và dung nạp quan niệm này. Ý thức (niềm tin mới) nói: “Thất bại, sai lầm sẽ giúp bạn trưởng thành và khôn ngoan hơn”, nhưng trong tiềm thức (niềm tin cũ - chuẩn nền tư duy của bạn) lại nói: “Thất bại là những niềm đau, gắn liền với hổ thẹn, tủi nhục và trừng phạt”. Chỉ với suy nghĩ như thế đã phá tan tinh thần khởi nghiệp, đánh mất sự tự tin vào bản thân, khiến nhiều người mất đi lòng nhiệt huyết, sống khép kín trong một không gian an toàn, điều này làm trí tưởng tượng trở nên mờ nhạt và dần xóa tan mục tiêu của chính bản thân. Với tiềm thức như thế nó đã gần như quyết định thành công hay thất bại của bất kỳ công việc nào.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.