HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 3

KHÔNG CÓ HIỂU BIẾT - KHÔNG THỂ YÊU THƯƠNG

“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, ông bà ta có lẽ đã dùng cách nói ẩn dụ để truyền tải thông điệp này, vì nếu đã thương mà dùng roi vọt thì hà cớ gì ghét lại cho sự ngon ngọt.

Theo Tiến sĩ John Gray trong cuốn sách “Đàn ông đến từ sao hỏa, Đàn bà đến từ sao kim”, đã phân tích rõ thế giới của người đàn ông và đàn bà khác nhau về suy nghĩ, tình cảm, tính cách và cách họ cảm nhận được tình yêu thương. Có lẽ, trẻ em cũng đến từ một vì sao khác. Đặc điểm của những đứa trẻ trên vì sao này khác hẳn so với hành tinh của người lớn, lũ trẻ ở đây rất hồn nhiên ngây thơ, thích khám phá cuộc sống, thích tự do làm những gì chúng muốn. Cũng vì thế mà chúng sẽ vi phạm vào những chuẩn mực người lớn ở trái đất đặt ra, chưa kể những chuẩn mực đó đúng hay sai. Chúng chưa có khả năng hòa nhập, để có thể tồn tại và chung sống nơi đây. Con người trái đất cần hướng dẫn, chỉ đường, giúp đỡ cho trẻ thích ứng, tạo môi trường để đánh thức những đức tính, thói quen nhằm hòa nhập, chung sống với con người. Mà muốn có được thói quen tốt cần phải được luyện tập, tự đứa trẻ không làm được điều này.

Thương cho roi cho vọt ở đây có nghĩa là lúc này bạn dùng kỷ luật, kỷ cương, nghiêm khắc để giúp các em vực dậy những thói quen có lợi, uốn nắn cho các em đi đúng quỹ đạo, từ đó trở thành người tốt, hòa hợp với con người. Tình huống sau đây của một ông bố, sẽ cho bạn cái nhìn rõ hơn rằng thương cho roi cho vọt nên được hiểu như thế nào mới đúng.

Một ngày kia, người con trai hai tuổi của tôi bị u đầu vì đâm vào bàn, nó khóc ầm ĩ một hồi lâu, tôi đã bước tới cạnh bàn, lớn tiếng hỏi. “Này!

Bàn, ai làm bạn bị thương và khóc lớn tiếng vậy?”

Nó ngừng khóc, nhìn tôi với những giọt nước mắt trên mặt.

Tôi hỏi: “Có phải con đâm vào cái bàn không?”

Ôi, là con đó bố! Con trai trả lời.

Thế con xin lỗi cái bàn chưa? Tôi hỏi.

Nó nói: “Mình xin lỗi” và cúi chào cái bàn.

Đó là biết cách yêu thương, lần sau ngã nó sẽ tự giác đứng dậy, biết được trách nhiệm thuộc về ai. Lớn lên hơn một chút nữa nó sẽ có ý thức, trách nhiệm về những hành động của bản thân, chứ không phải đánh mắng là thể hiện tình yêu thương.

Ghét cho ngọt cho bùi, có nghĩa khi các em hồn nhiên đến với thế giới này, tự do khám phá và làm những gì mình muốn, nhưng đôi khi chúng lại phạm phải sai lầm, những chuẩn mực để có thể hòa nhập với con người nơi đây. Nhưng vì ghét bỏ, nên ghét cho ngọt cho bùi ở đây có nghĩa là không thèm để mắt tới, không quan tâm, nói cho qua chuyện, không nhắc nhở khuyên can, không chỉnh sửa hành vi sai trái cho trẻ, để chúng sống theo ý muốn, sự buông thả của bản thân, từ đó làm cho đứa trẻ đi sai đường lạc lối, trở nên hư hỏng lầm lạc.

Tương tự cũng câu chuyện ở trên, nhưng cách xử lý của một số người sẽ làm như sau.

Một ngày kia con trai hai tuổi của tôi u đầu vì đâm vào bàn, nó khóc ầm ĩ hồi lâu. Tôi ra khỏi phòng chạy tới gần con, đỡ con dạy, ôm con vào lòng nói:

Con yêu! Con có sao không?

Cái bàn làm con đau à, để mẹ đánh cho con nhé.

Này cái bàn, mày hư quá. Làm con mẹ bị đau, đánh cho chừa.

Làm như thế có thể xoa dịu nỗi đau tạm thời cho con trong phút giây hiện tại, nhưng lại vô tình cổ xúy cho những hành động, tư tưởng sai lệch của con. Bởi nó mang một thông điệp ngầm rằng con thật vô dụng, yếu đuối, bị ngã cũng không thể tự đứng dậy được. Người mẹ đánh cái bàn, lại khiến trẻ ngộ nhận rằng trách nhiệm không phải của mình, nên hình thành tâm lý đổ lỗi, như thế trẻ sẽ nhanh chóng rút ra được quy luật “Té ngã - khóc - mẹ đỡ - mọi sự không phải lỗi của mình”, thế là làm hư hại con rồi.

Thường người mẹ sẽ chạy lại ôm con, đỡ con, âu yếm con, dỗ dành con. Tuy đó là một hành động nhỏ, thường thấy nhưng nó thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho con. Nhưng đó chỉ là hành động yêu thương con thuần túy, phản xạ hoàn toàn mang tính bản năng, nên chưa phải tình yêu thương có chất lượng và mang lại giá trị tương xứng.

Trước khi lột xác thành một con bướm trưởng thành, nó phải trải qua giai đoạn nhộng trong một cái kén. Để thành bướm, nhộng bướm buộc phải thu, ép chặt thân mình lại sao cho có thể chui qua khỏi cái miệng kén bé tí. Một ngày nọ, khi quan sát một con nhộng đáng thương đang cố hết sức để thoát ra khỏi cái kén, một người tốt bụng đã quyết định giúp đỡ nó bằng cách rạch miệng kén cho rộng ra để nó có thể chui ra được dễ dàng hơn. Quả thật, con nhộng đã chui ra khỏi kén dễ dàng mà không phí nhiều công sức, nhưng con nhộng tội nghiệp đã không thể bay lên khi rời khỏi kén như bao con nhộng khác. Nó chỉ biết trườn trên mặt đất. Vài ngày sau, nó chết, thay vì sống hết cuộc đời bay lượn trên không với đôi cánh uy nghi của mình. Đã quá muộn khi phát hiện ra rằng để có thể bay, nó phải trải qua quá trình ép chặt cơ thể mình lại để len ra khỏi miệng kén chật hẹp. Vì trải qua quá trình ép chặt cơ thể như thế, một chất dịch đặc biệt sẽ được tiêm vào các gân cánh của nó, và giúp làm nó bay lên được một khi đã thoát ra khỏi kén.

Tiểu thiện như đại ác.

Tương tự như vậy, một người chỉ biết yêu thương con mình bằng tình yêu tử cung, tình yêu máu mủ, ruột thịt, thì cũng giống như “người tốt” ở trên, cứ nghĩ những việc mình làm là tốt, là vì con, mong muốn bảo vệ con, giúp con phát triển, nhưng thực chất không phải vậy. Người chỉ biết yêu thương con là người chỉ dùng tình yêu bản năng còn hạn chế về mặt nhận thức, nên nhiều khi nhìn nhận chưa đúng mức vấn đề để xử lý sao cho thỏa đáng. Do đó, họ thường là những người chưa biết cách tương tác với con, nuôi con bằng cảm tính, theo các cung bậc cảm xúc, cho trẻ những thứ chúng muốn mà không có khả năng phân biệt đúng sai, không phân biệt được đâu là điều thực sự cần thiết giúp cho con tiến bộ. Bố mẹ chỉ biết yêu thương con hiểu theo cách ông bà ta hay nói, là vô tình họ đã ghét bỏ đứa con mình, ghét cho ngọt cho bùi. Thương mà không hiểu là “thương - hại”, hoặc nói theo một cách khác yêu thương nhưng lại không có minh triết, sự hiểu biết, thì cũng là một hình thức ghét bỏ.

Năm học lớp 7, có lần không giải được một bài toán thầy đánh tôi ba roi, đau thật đau. Tôi vẫn còn nhớ khuôn mặt với một nụ cười tươi, xen lẫn chút trang nghiêm trước lúc thầy đánh tôi mà tâm đắc nói rằng, ông bà ta có dạy: “Thương cho roi cho vọt”, thầy thương các em nên đánh để các em học. Lúc đó tôi cảm thấy uất ức, xấu hổ trước bạn bè, tôi ghét thầy vì việc làm thiếu hiểu biết, không ích lợi gì mà còn gây hại vô cùng nhưng lại cho rằng đó là tốt, và từ đó tôi cũng ghét cả môn Toán, nói đúng hơn là sợ và chẳng muốn học môn đó nữa. Sau này lớn hơn một chút tôi mới hiểu, người thầy này vô tình hay cố ý đã hiểu không đúng và cắt đi đoạn sau “ghét cho ngọt cho bùi”, dùng nó với danh nghĩa yêu thương như một lời biện bạch hoàn hảo để bạo hành, áp đặt chúng tôi một cách dễ dàng khi không biết tìm cách nào khác tốt hơn, sáng tạo hơn, để tạo động lực cho chúng tôi học tốt lên. Tôi biết thầy có thừa tâm huyết với nghề, thầy cũng có ý tốt. Nhưng rõ ràng vì thiếu năng lực, thiếu đi sự hiểu biết về thế giới, về con người, về trẻ em, nên tình yêu thương của thầy không thực sự mang lại kết quả tốt đẹp cho người khác.

Tí sinh ra trong gia đình mà bố mẹ rất quan tâm đến giáo dục, lên một tuổi đã được cho xem điện thoại, Ipad vì họ nghĩ rằng điều đó sẽ tốt cho sự phát triển của con. Không phải đợi lâu, Tí thành tài rất sớm, khi mới hơn hai tuổi rưỡi đã có thể nói tiếng Anh, làm bố mẹ nức lòng. Hai là, việc đưa công nghệ vào trong giáo dục cũng mang lại sự thảnh thơi nhất định cho bố mẹ Tí, khi họ muốn có thời gian uống cà phê, làm việc, nghỉ ngơi thì công nghệ sẽ biến thành bảo mẫu hoặc hóa thành đồ chơi lý tưởng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ ở thành phố khi không gian vui chơi tự nhiên ngày một bị mất dần đi. Chỉ cần cho trẻ điện thoại, Ipad là cô cậu có thể ngồi đó cả ngày, không chạy nhảy lung tung, tránh đi mọi nỗi lo về tai nạn, chúng tuyệt nhiên cũng không làm phiền, không mè nheo, nói tóm lại trẻ ngoan như cún, quả là một cung cụ giữ trẻ thần kì trong thế kỷ XXI.

Nhưng mặt trái của việc hiểu về giáo dục sớm chưa thực sự trọn vẹn dẫn đến giáo dục sai phương pháp, sử dụng không đúng cách, lạm dụng công nghệ quá mức. Lẽ ra trong những năm đầu đời cần ưu tiên cho các hoạt động vận động để phát triển cơ thể thể chất, Tí lại hay ngồi bất động. Đây là trạng thái mang “tính ì”, làm quá trình trao đổi chất, phát triển cơ, xương, khớp bị hạn chế, xương cuộc sống và xương cổ có dấu hiệu bị gù, tăng nguy cơ bị cận thị. Vì ít được giao tiếp nên cậu chậm nói và phản ứng kém với ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ của người lạ. Về mặt tình cảm, cảm xúc do tiếp xúc nhiều với máy móc, thiết bị điện tử những đồ vật có tần số rung động thấp nên lâu ngày Tí cũng bị cộng hưởng. Biểu hiện ra bên ngoài đối với con người có tần số rung động thấp đó chính là cậu không có kết nối với thế giới xung quanh, tỏ ra vô cảm với mọi sự mọi việc. Thay vì hoạt bát, tràn đầy năng lượng, những biểu hiện thường thấy ở mọi đứa trẻ, cậu lại trầm lắng, thiếu sức sống, biểu cảm trên khuôn mặt cứng nhắc và đơn giản. Cảm xúc thường thấy là cậu dễ cáu gắt, rất thiếu kiên nhẫn, lười suy nghĩ, thiếu khả năng tập trung. Tóm lại, những đứa trẻ ở trong một môi trường nuôi dưỡng như vậy sẽ khiếm khuyết về mặt thể chất, nghèo nàn trong đời sống tinh thần, thoái hóa về tâm linh. Thì chúng ta nghĩ như thế nào khi tương lai của thế giới rơi vào tay những con người như vậy, hay thế giới tràn ngập những con người như vậy? Và họ sẽ làm gì với công nghệ, trí thông minh nhân tạo đang ngày một tối tân như hiện nay?

Năm 2019, đạo diễn Robert Rodriguez cho ra đời bộ phim khoa học viễn tưởng mang tên Alita (Thiên thần chiến binh). Trong phim xuất hiện rất nhiều nhân vật nửa người nửa máy. Nếu chúng ta không cho trẻ cách tiếp cận thỏa đáng với chính công cụ chúng ta đã tạo ra, thì thế giới nửa người nửa máy sẽ không còn là viễn tưởng trong các bộ phim nữa, mà là hiện thực không xa trong tương lai. Vì thế, yêu thương dù sâu đậm nhưng thiếu đi minh triết, thì càng yêu chỉ càng làm hại người được yêu thương.

Để kiến tạo nên một con người rất khó, để tạo ra một con robot rất dễ.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.