HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 2 (TIẾP THEO)

CỐI LÕI CỦA GIÁO DỤC, LÀ ĐÁNH THỨC TÌNH YÊU THƯƠNG

THẾ NÀO LÀ TÌNH YÊU THƯƠNG MINH TRIẾT?

1. Yêu lại chính mình

Yêu thương bản thân là bài học đầu tiên, xuyên suốt cuộc đời chúng ta. Không ngừng yêu thương chính mình mỗi phút giây chính là nền tảng của tình yêu thương. Vì nếu bạn không thể yêu thương chính mình, sao bạn có thể yêu thương con mình và người khác? Nếu bạn không có yêu thương, sao có thể cho đi yêu thương. Bạn không thể cho ai thứ bạn không có. Cho nên, trước tiên hãy học cách yêu thương bản thân.

Yêu thương thì dễ nhưng yêu thương bản thân trong minh triết lại khó. Rõ ràng cơ thể này có rất nhiều ham muốn, bạn càng đáp ứng những ham muốn ấy, chúng lại càng đòi hỏi nhiều hơn và sự đòi hỏi để được thỏa mãn đó dường như vô tận. Ví dụ, như khi bạn nhìn cô gái đẹp nào cũng thấy hấp dẫn và muốn được “yêu” họ, bạn sẽ khởi lên suy nghĩ, kế hoạch và hành động để đạt được điều mong muốn. Rõ ràng, rằng nếu cứ liên tục chiều chuộng cái tâm tham muốn của mình theo cách đó, hậu quả bạn sẽ phải gánh chịu là một chuỗi khổ đau, bất như ý kéo đến chỉ để thỏa mãn tâm đòi hỏi ban đầu. Gây ra khổ đau cho người thì bạn sẽ gây ra khổ đau cho mình, điều đó không minh triết chút nào. Vậy yêu thương bản thân sao cho minh triết, cũng đơn giản lắm bạn ạ.

Hãy lắng nghe nhu cầu bên trong và đáp ứng hợp lý những nhu cầu đó như ngủ đủ giấc, tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, mệt thì nghỉ, buồn thì khóc, hay bất cứ nhu cầu nào cần được thỏa mãn mà không vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức. Làm những loại công việc khiến bạn cảm thấy thoải mái, nghĩ đến cảm giác vui vẻ về thể chất, tình cảm và tinh thần như đi dạo, nghe nhạc, viết nhật ký.

Thực tập Thiền, tập thể dục, hòa mình vào thiên nhiên là những phương pháp vô cùng hiệu quả để yêu thương chính mình. Có thể nhiều người chưa Thiền bao giờ nên không biết trạng thái mà cơ thể bạn khát khao, nó sẽ trở thành nhu cầu của thân thể này khi nó biết Thiền là cái gì.

Sinh hoạt theo nhịp điệu sống tự nhiên đều đặn như ngủ sớm dậy sớm, không bỏ bữa, ăn theo những khung giờ nhất định, với những thói quen tốt. Con người là loài “động vật” duy nhất trên địa cầu sống phá vỡ các nhịp điệu. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể thể chất, tâm hồn, trí tuệ và cả trái tim yêu thương.

Bạn có thể biết rằng mọi thói quen được hình thành sau ba mươi ngày đều đặn thực hiện hành động nào đó, vào một khung giờ cố định mỗi ngày hay không? Học cách bỏ thói quen xấu, hình thành thói quen tốt chính là nền tảng để thay đổi những thói hư tật xấu của thân thể này và mang lại năng lượng tích cực cho cơ thể.

Tìm một vài suy nghĩ tích cực giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn và nhắc lại chúng mỗi ngày. Việc này ban đầu có vẻ hơi ủy mị và kỳ cục, nhưng khi thành thói quen, các suy nghĩ tích cực sẽ ngấm dần vào người, bạn sẽ tin chúng dù lúc trước không hề tin.

Thành thật biết nhận lỗi là sự chấp nhận cái bất toàn của bản thân. Có người cả đời không chấp nhận sự bất toàn đó, cũng có nghĩa là không chấp nhận được bản thân mình. Một điều lạ là khi bạn cố đổ lỗi cho người khác để bản thân trở nên tốt đẹp hơn, bạn càng đi xa cái tốt đẹp thực sự. Vậy mà mình cũng phải mất khá lâu mới nhận ra điều này. Chấp nhận mình sai, mình chưa tốt, chưa trọn vẹn, cũng là mở ra cho mình một cơ hội để tốt đẹp hơn. Chấp nhận cái bất toàn của bản thân và vui lòng đón nhận tất cả mọi thứ sẽ đến, chào đón nó như là một ơn điển dù nó có ra sao đi nữa.

Đó cũng đã là một sự tiến bộ trong tâm thức. Chấp nhận mọi sự đến với mình đều có nguyên nhân của nó, mà nguyên nhân lớn nhất là học hỏi, yêu thương, khiêm nhu để trưởng thành hơn. Thực sự chấp nhận bất toàn, biết xin lỗi và biết cảm ơn, đó đã là ân phúc. Còn chấp nhận được cái bất toàn của người khác, yêu thương được nó nữa, đó là sự giải thoát.

Yêu thương tâm hồn - mỗi chúng ta, ai ai cũng có những tổn thương ít nhiều bởi vô tình hay hữu ý mà bố mẹ, người thân yêu hoặc người ngoài mang tới cho bản thân. Tổn thương và tổn thương ăn sâu vào tiềm thức và con tim, nó dồn nén trong sâu thẳm. Theo dòng thời gian nỗi đau đó, tổn thương dày lên như lớp bụi che mờ con tim, làm con tim chúng ta khép lại và dần đóng băng.

Vì vậy, mỗi chúng ta cần được chữa lành tổn thương trong sâu thẳm trái tim tâm hồn. Muốn chữa lành tâm hồn, bạn cần thực sự chạm đến cốt lõi của trái tim, để một lần nữa nó được mở ra cho miền ký ức đau thương được khuấy lên, để được chữa lành. Chừng nào bạn chưa làm được điều đó thì cuộc sống, niềm vui, hạnh phúc, năng lượng, nụ cười của bạn sẽ không thực sự trọn vẹn và viên mãn. Và mọi thứ bạn làm chỉ là vẻ bề ngoài, đến những đứa con bạn, bạn sẽ chăm sóc, nuôi dạy con mình trong thân xác của một người lớn, nhưng từ sâu bên trong là tâm hồn của một đứa trẻ bị tổn thương, tổn thương nối tiếp tổn thương. Mối quan hệ với đứa trẻ bên trong của bạn không tốt, thì làm sao mối quan hệ, sự kết nối với những đứa trẻ bên ngoài, với con bạn có thể tốt đây? Như vậy, nếu không ý thức được vấn đề dù bạn cố gắng rất nhiều đi nữa, tâm huyết giáo dục bạn mang đến cho con cũng không có chất lượng, tình yêu thương bạn dành cho con sẽ không có minh triết.

Thông qua việc bố mẹ, thầy cô tương tác với đứa trẻ có thể nhận biết được tổn thương của họ trong quá khứ, để tìm cách chữa lành.

Cho nên muốn được chữa lành cần đến một vị thầy có thể “mở” trái tim cho bạn, chứ không phải một bác sĩ. Sẽ chẳng có bệnh viện, phòng khám, cũng chẳng có bác sĩ tim mạch nào tìm thấy bệnh và biết cách chữa lành cho bạn đâu (sẽ dần xuất hiện những bác sĩ có khả năng chữa lành cả trái tim vật lý và trái tim tâm hồn). Vì đây là nỗi đau vô hình, trái tim vô hình nhưng nó thực sự có hiện hữu và ẩn sâu bên trong mỗi người. Cuộc sống với bao mưu tính về vật chất làm con người dần mất đi giá trị cốt lõi của bản thân, vì bạn hướng ra ngoài còn nội tâm bị bỏ mặc, đóng băng, vô hình chung bạn phủ nhận sự hiện hữu của nó. Có quá nhiều người bị tổn thương, rất nhiều người cần được chữa lành nhưng không phải ai cũng may mắn nhận được sự hỗ trợ từ một người thầy cho riêng mình. Chính vì thế, trước khi nhận được sự giúp đỡ từ ai đó, hãy tự tìm đường đi cho bản thân và chữa lành cho chính mình.

Những hình ảnh, âm thanh hay sự vật, sự kiện nào ập đến, bạn thấy, nghĩ đến làm bạn xúc động, tim bạn nóng lên, đập mạnh hơn, nhói đau, như muốn vỡ ra ngoài, thì hãy thường xuyên tìm đến, để gợi lại kỷ niệm hay cảm giác trong quá khứ. Đây là việc khó làm, nhưng đấy chính là lúc bạn được chữa lành, lúc trái tim bạn bắt đầu mở, rung động trở lại, yêu thương bản thân nhiều hơn.

Điều gì có thể đánh thức trái tim bạn trở lại? Đó có thể là một bài hát đầy xúc động khiến bạn chảy nước mắt, một đoạn phim gây cảm động lòng người, hay một ký ức ùa về khi bạn cắn răng, gắng hết sức lực, nén nỗi đau vào trong, sinh đứa con đầu lòng mà không có người thân ở bên. Hoặc lúc mình bạn phải kiếm cơm từng bữa, chịu đựng người chồng phụ tình bạc nghĩa để chăm lo cho những đứa con. Luôn tỏ ra mình thật mạnh mẽ, mình vẫn ổn để các con yên lòng, mong chúng lớn lên thành người. Bạn hy sinh, đánh đổi, mệt mỏi, cô đơn, đuối sức, bạn muốn bỏ cuộc nhưng bạn không làm vậy, vì những đứa con thân yêu của mình.

Bạn chịu đựng tất cả những điều đó, chỉ một mình bạn. Không ai thực sự thấu hiểu và đủ niềm tin để bạn tin tưởng chia sẻ được, bạn giữ nó một mình và nó lắng sâu thật sâu trong lòng. Bạn thấy thương mình nhưng không hiểu vì sao lại trở nên tồi tệ như vậy.

Cũng có thể là lúc bạn nhìn thấy một đứa bé được ôm, được nâng niu, được mẹ nó trao đi những lời yêu thương, được chơi đùa cùng bố, được nói lời động viên. Khoảnh khắc ấy làm bao ký ức tưởng chừng như đã trở thành dĩ vãng lại lần nữa được khuấy lên, đứa trẻ bên trong bạn bật khóc. Đứa trẻ yêu thương mọi người nhưng cũng nhận đủ mọi nỗi đau từ nhỏ. Từ mẹ, từ bố, từ anh em, người xung quanh. Mỗi khi bị nhận sự la mắng từ người lớn, nó chạy trốn và tìm một góc để khóc và cũng không đủ can đảm để khóc to. Có những ngày nó khóc trong vô vọng, đau lặng tim, trí óc căng thẳng vì sợ hãi. Sợ và sợ… Từ những lời so sánh, chỉ trích, kỳ vọng của bố mẹ. Nó phải gồng lên để học cho thật tốt, để không thua kém bạn bè, để thỏa mãn dục vọng của người lớn. Cả hành trình nó trải qua là phải nghe lời bố mẹ, học và học… Dần dần đứa trẻ không còn được là nó, được mơ ước, được sống như nó muốn. Nó chẳng biết khi nào nó đã mất phương hướng về cuộc đời này. Có những ngày nó đi trong vô vọng, đi và đi và không muốn về nhà. Đứa trẻ bên trong bạn thiếu thốn rất nhiều, tình yêu lẫn tuổi thơ hồn nhiên trong sáng theo gió mây trời đã bị mất đi, bởi nhịp sống vội vã, cũng có thể do sai lầm của bố mẹ đối với việc nuôi dưỡng bạn. Điều đó có nghĩa là nơi sâu lắng nhất trong trái tim bạn được chạm đến, trái tim bạn trở nên nóng hơn, nó đập mạnh như trồi ra khỏi lồng ngực, nhưng đừng hiểu lầm là mình đang bị đau tim nhé. Đó là dấu hiệu của đứa trẻ bên trong của bạn được chữa lành, là khởi đầu cho một hành trình mới.

Bố mẹ, thầy cô chưa biết cách yêu chính mình, không hiểu chính mình, chưa chữa lành được tổn thương cho bản thân thì không giáo dục được ai cả.

Hoàng Yến

Lúc bạn chấp nhận yêu thương bản thân này, bạn đáp ứng những nhu cầu đúng cách trong tình yêu, tức là thân thể bạn liên tục được thỏa mãn và nó liên tục rung động trong yêu thương. Bạn biết tần số của tình yêu rồi đó, tần số của tình yêu rất cao, lên tới 500Hz.

Người với người sống để yêu nhau, bạn sẽ chẳng thể sống nếu thiếu đi tình yêu và chỉ có tình yêu mới có thể chữa lành cho vạn vật. Những thứ bên ngoài chỉ là niềm vui trong giây lát, tình yêu thực sự luôn đến từ bên trong. Quay vào tập trung học yêu bản thân trước, yêu được mình rồi mới biết cách yêu người, lúc đó thế giới của bạn sẽ tràn ngập tình yêu. Và cấp độ cao nhất của việc yêu thương chính mình là tích cực tu hành và sửa mình.

Yêu bản thân, yêu muôn người muôn loài.

Thì học gì chẳng xong, làm gì chẳng nổi...

Hoàng Yến

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.