TINH HOA GIÁO DỤC 5
PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ KHÓC, MÈ NHEO HIỆU QUẢ
Não bộ trẻ con có khả năng học hỏi không ngừng,
chúng tự đưa ra giả định, thực hiện nhằm kiểm chứng giả định. Đó là một trong
những cách trẻ khám phá thế giới. Cũng như vậy, những đứa trẻ hay mè nheo hoặc
thường xuyên dùng ngôn ngữ khóc một cách có chủ đích, lặp đi lặp lại điều nào
đó thường làm, rất có thể đó là cách chúng khám phá thế giới xung quanh, chạm đến
tận cùng giới hạn của tình huống chỉ để xem chuyện gì sẽ xảy ra. Ăn uống, vui
chơi, ngủ nghỉ, được yêu thương, là những nhu cầu tối thiểu cần được đáp ứng và
thỏa mãn đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Tương tự như vậy, có một nhu cầu khác cũng
quan trọng và cấp thiết không kém mà trẻ cũng muốn bạn hiểu, xử lý một cách phù
hợp đó là khi trẻ khóc, mè nheo.
I. CÁCH XỬ LÝ TRẺ KHÓC, MÈ NHEO VÌ BỊ TỔN
THƯƠNG
Có thể phân biệt tiếng khóc, sự mè nheo của trẻ ra
làm hai loại, tùy vào mỗi loại, mỗi tình huống, thời gian, không gian, mà bạn
có thể linh hoạt biến hóa xử lý sao cho hiệu quả.
Đầu tiên tiếng khóc, sự mè nheo của trẻ có thể xuất
phát từ một sự trải nghiệm tồi tệ nào đó, những gì trẻ đang phải đấu tranh, lo
lắng, hoang mang, sợ hãi, muốn nói, thể hiện cho bạn hiểu. Nhưng vì một số
nguyên nhân nào đó như ngôn ngữ của trẻ chưa có thể biểu đạt được thông điệp
mình muốn nói, mất bình tĩnh, cảm xúc bị kích động không thể nói nên lời, những
lúc như vậy trẻ sẽ òa lên khóc, mè nheo.
Chẳng hạn, những tình huống sau đây có thể khiến
trẻ rơi vào những tâm trạng như trên: Trẻ gặp người lạ, chứng kiến một chuyện tồi
tệ, đến một địa điểm hoàn toàn xa lạ, nơi đông người, nhìn thấy hay cảm nhận một
điều gì đó bất thường, cơ thể có gì không ổn hoặc do nhu cầu được yêu thương, sự
quan tâm từ phía bố mẹ không đáp ứng đủ. Những lúc thế này, bạn đừng bao giờ phớt
lờ trẻ. Hãy dùng con tim của người mẹ âu yếm và dùng lý trí của người bố để hiểu
được những gì trẻ đang muốn nói, trải qua, muốn biểu đạt. Tìm hiểu nguyên nhân
làm sao trẻ lại như thế, hay đơn giản là lắng nghe, ở bên trẻ, thấu hiểu những
cảm xúc của các em.
Câu chuyện sau đây là một trường hợp cụ thể. Một hôm,
có người mẹ dẫn đứa con nhỏ vào siêu thị mua sắm. Nhưng khi bước chân đến nơi,
đứa bé bỗng dưng khóc ngất lên, không chịu đi tiếp, dù dỗ dành, an ủi bao nhiêu
đi nữa cũng không làm cho đứa trẻ nín khóc. Đến lúc này người mẹ dần mất kiểm
soát và thực sự chịu hết nổi đứa con ương ngạnh khó bảo và chuẩn bị nạt nộ đứa
bé bằng những câu nói nặng nề, đanh thép. Nhưng khi ngồi xuống, bằng với tầm
nhìn của con, người mẹ trẻ mới hiểu ra trong mắt đứa con ba tuổi của mình thì
ra thế giới trong siêu thị. Thứ bé nhìn được chỉ toàn là những “đôi chân biết
đi” và đó là nguyên nhân gây ra sự sợ hãi của bé.
Lúc bạn rơi vào những hoàn cảnh như người mẹ ở
trên, trước khi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra bạn cần bên cạnh vỗ về. Tìm hiểu
nguyên nhân và khi đã hiểu được vấn đề thì cần khẳng định cảm xúc: “Con cảm thấy
sợ, bất an lắm phải không vì nhìn thấy đâu đâu cũng là những đôi chân biết đi”.
Sau đó tìm cách giúp trẻ thoát ra khỏi vấn đề, có thể là đưa trẻ ra khỏi siêu
thị, bế trẻ lên hoặc tìm cho trẻ chiếc xe đẩy.
Làm được như vậy trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm
yêu thương của bố mẹ, cảm thấy an toàn, phát triển cảm xúc, tâm sinh lý lành mạnh.
Ngược lại, không hiểu trẻ đang xảy ra chuyện gì hoặc phủ định cảm xúc của các
em, những lúc này trẻ sẽ bị tổn thương tâm hồn. Lớn lên sẽ cảm thấy mất an toàn
với thế giới mà mình sống, mất niềm tin vào gia đình cũng như xã hội, dễ có những
hành vi ứng xử bạo lực trong tương lai.
Trần Huy Toàn