TINH HOA GIÁO DỤC 6 (TIẾP THEO)
CÁCH GIẢI QUYẾT SAI LẦM, THẤT BẠI
GIÚP CON TRƯỞNG THÀNH BƯỚC VÀO ĐỜI
III. NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TRẺ EM
LỚN LÊN SỢ SAI LẦM, THẤT BẠI
Có hai nguyên nhân chính từ cách chúng ta ứng xử, xử lý những vấn đề
trong đời sống hằng ngày với đứa trẻ, đã dẫn đến việc các em lớn lên với nỗi sợ
hãi, trốn tránh và cũng không có khả năng đối mặt với sai lầm, thất bại.
Một, do cách ta phản ứng với sai lầm, thất bại của trẻ chưa đúng cách,
khiến trẻ xây dựng tiềm thức tiêu cực.
Những tình huống cụ thể:
Trẻ cầm cái ly nhưng vô tình đánh rơi làm những mảnh vỡ văng khắp nền
nhà, ta mắng: “Đồ vô ý”, đánh cho mấy phát vào tay, rồi bế trẻ đi chỗ khác. Còn
bản thân đi lấy chổi thu dọn hậu quả trẻ gây ra.
Trong lúc vui chơi bị các bạn dụ dỗ, con mang đồ chơi cho hết. Biết
chuyện ta trách: “Từ nay trở đi đừng có mà bảo mẹ mua cái gì cho nữa nhé, có đồ
chơi mà không biết giữ đúng là đồ ngốc.”
Phát hiện con tái phạm một hành vi sai trái mà mình đã nhắc nhở nhiều
lần, ta chỉ trích: “Con đầu đất hả”, bố nói không nghe à, rồi đánh trẻ một trận.
Khi chúng ta vô tình bắt gặp trẻ trộm đồ: “Ai cho con lấy trộm, thật
hư hỏng. Lần sau mà còn tái phạm, bố đánh gãy tay.”
Tất cả những chuyện này và cách phản ứng của người lớn như thế làm những
đứa trẻ trong hiện tại và khi lớn lên nảy sinh những chuyển biến tâm lý vô cùng
phức tạp như sau:
Mỗi lần bị trừng phạt bạn sẽ gây ra tâm lý sợ hãi, hoang mang đối với
trẻ, lúc đó do cơ chế phản xạ tự nhiên đứng trước mối đe dọa cơ thể sẽ tiết ra
hocmon Cortisol nhằm tạo ra năng lượng tự vệ. Nhưng việc thường xuyên tiết ra
hocmon này sẽ dẫn đến ức chế quá trình phát triển toàn diện như chậm lớn, chậm
tăng trưởng chiều cao, trí lực chậm phát triển, tim thường xuyên đập nhanh, kéo
theo nhịp thở nhanh và gấp rút làm giảm tuổi thọ. Không chỉ có thế, nhiều người
chưa hiểu được vấn đề nên ép, đe dọa, đánh mắng con mình khiến cho trẻ khi ăn
cũng sẽ ăn với cortisol, sẽ học với cortisol, tắm với cortisol, ngủ với
cortisol. Làm như thế liệu có tốt cho trẻ?
Bằng bạo lực có thể giải quyết được vấn đề, nhưng đồng thời bạn cũng
đang gieo hạt giống bạo lực khác. Ta gieo nên mầm cây ớt đừng mong nó mọc lên
cây mía. Ta gieo cho chúng sợ hãi sau này chúng sẽ làm cho ta khủng hoảng. Những
đứa trẻ được nuôi dạy bằng la mắng, dọa nạt, cấm đoán, sẽ trở thành những con
người bạo lực, cục cằn.
Trẻ em bị ám thị tiêu cực tấn công suốt tuổi thơ, trong khi chưa thể tự
miễn nhiễm với điều này, nên dần chấp nhận những nhận định của người khác về
mình như một sự thật. Từ đó trẻ dễ hình thành các niềm tin sai lầm về bản thân
và dần đánh mất chính mình.
Qua mỗi sai phạm trẻ đều chịu nhận lấy quả đắng, sau này trẻ sẽ tự do
lặp lại lỗi lầm của mình mà không kèm theo cảm xúc ân hận vì trong suy nghĩ của
trẻ, chúng đã phải trả giá cho tội lỗi của mình. Do vậy, sự trừng phạt không những
không giúp hạn chế sai lầm mà còn vô tình cổ vũ cho chúng tái phạm. Cứ như thế
dù các em liên tục lặp lại sai lầm, rồi lại bị trừng phạt, lâu dần trẻ sẽ trở
nên lì lợm và cứng đầu, đồng thời đánh mất đi nỗi hổ thẹn của lương tâm.
Do sở hữu quyền lực và bị phụ thuộc tạm thời vào chúng ta, nên mỗi lần
mắc lỗi trẻ sẽ bị “Bao Công giảm xử án”. Tức là khi tâm thức của ta chưa hoàn
thiện, nhưng lại thường xuyên can thiệp vào quá trình nhận thức tự nhiên của trẻ
bằng giới hạn trải nghiệm bản thân. Điều này khiến cách xử lý hành vi của ta đối
với đứa trẻ chưa hiệu quả và công bằng. Không thực sự tâm phục khẩu phục, lâu dần
trẻ sinh ra tâm lý thù địch và chống đối.
Trừng phạt làm trẻ sợ và ghét, điều này sẽ đánh mất đi sự tương tác giữa
ta và trẻ, dẫn đến tình yêu không trọn vẹn. Lớn lên trẻ sẽ không muốn kết nối,
tương tác với ta nữa, vì trong tâm trí trẻ, ta thường áp đặt, không thực sự
giúp trẻ và lâu dần chúng quen với những vết thương lòng trong quá khứ. Thiếu sự
đồng cảm, tôn trọng và lắng nghe, khi bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, trẻ sẽ
có xu hướng ra ngoài để tìm kiếm bạn bè, người yêu nhằm bù đắp được phần nào
khoảng trống về tâm hồn, khao khát tìm kiếm cảm giác yêu thương và thấu hiểu.
Sai phạm là một phần tuổi thơ của trẻ em, nhưng nhiều người lớn lại
chưa hiểu nên hay la mắng, trách phạt trẻ. Chẳng ai lại muốn nhận lấy cảm xúc
tiêu cực này cả, do đó trẻ sẽ phòng vệ bằng cách trốn tránh trách nhiệm bởi việc
mình đã gây ra. Từ đó hình thành nên những con người không trung thực, hay ngụy
biện và cũng chẳng biết cách khắc phục, sửa đổi những hành vi sai lầm của bản
thân.
Tóm lại, trẻ bị trừng phạt về tinh thần cũng như thể xác thì có thể sẽ
phát sinh một hay cùng lúc các biểu hiện tâm sinh lý như ở trên.
Hai là, chúng ta thường xuyên can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào những
lần trẻ phạm phải sai lầm, thất bại, hoặc không cho trẻ cơ hội đối mặt xử lý và
tự tìm ra phương hướng để giải quyết vấn đề. Ta can thiệp vào bài học của trẻ,
thay trẻ đưa ra giải pháp, phương án khắc phục vấn đề. Điều này làm trẻ mất khả
năng tự chủ, tự lập, năng lực xử lý với các vấn đề trong tương lai và vô tình
xây dựng cho trẻ một hình tượng yếu đuối, thiếu bản lĩnh.
Các trường hợp cụ thể:
Khi trẻ làm việc gì đó nhưng chưa được, ta lại nói: “Thôi không được
đâu, đừng cố nữa, để mẹ giúp con.”
Con khóc nức nở trở về nhà nói, bố ơi con bị mấy đứa bạn đánh. Phản ứng
của ta: “Có im ngay không đã bảo biết bao nhiêu lần rồi, đừng có chơi với tụi
đó nữa rồi và đánh thêm vào mông trẻ vài phát.”
Lúc trẻ đang cố gắng sửa chiếc xe đạp, ta nhìn thấy và nói: “Không được
đâu để đó đi, lát bố sửa cho.”
Với cách phản ứng như vậy, ta đã tạo nên tiềm thức tiêu cực cho đứa trẻ,
khi chúng lớn lên sẽ không có khả năng cũng như kỹ năng để đối mặt với vấn đề.
Chuẩn nền tư duy của các em sẽ thiết lập rằng: “Sai lầm, thất bại là việc khó
khăn, tủi nhục mà ở đó chỉ có niềm đau và nỗi sợ hãi. Khiến chúng dần mất đi
tinh thần mạo hiểm, dấn thân và không còn dũng khí để vượt ra khỏi những giới hạn
của chính mình.”
Trần
Huy Toàn