CHIA SẺ VỀ NGƯỜI THẦY CỦA CUỘC ĐỜI
Hôm nay mình có buổi phỏng vấn với một bạn sinh 1996 cho vị trí SCE của
team mình
- Mình hỏi “kể chị nghe về thành tựu lớn nhất của em trong suốt 25 năm
qua đi”
- “Dạ thành tựu lớn nhất của em là bản thân em của hiện tại” - bạn đáp
Câu trả lời này làm mình đứng hình vài giây và những thông tin sau đó
bạn chia sẻ khiến mình muốn viết xuống một cái gì đó cho ngày hôm nay, à… hẳn
là cho mình thì đúng hơn.
Ai đó bảo rằng “Hôm qua chính là người Thầy tuyệt vời nhất của Hôm nay
và Mai sau”, cũng có ai đó nói “bất cứ ai bước đến/ rời đi khỏi cuộc đời mình đều
sẽ mang đến/ để lại một bài học CẦN cho hành trình lớn lên của mỗi người”
Vậy nên, dù mình hiểu hôm nay là ngày Tri ân những Thầy/Cô đang công
tác ngành sư phạm nhưng mình vẫn muốn nhìn nó rộng hơn phạm vi của một ngày Tri
ân - đó là Lòng biết ơn những “bài học hôm qua” để có mình của Hôm nay.
Với góc nhìn này thì chẳng nhẽ bất cứ ai cũng có thể trở thành một người
Thầy? Tất nhiên là “Không”, Thầy/ Cô là những danh xưng xã hội được đặt ra, viết
xuống, văn bản hoá để gọi tên ngành nghề. Nhưng, với mình, khoảnh-khắc bản thân
mỗi người NHẬN RA được BÀI HỌC và học nó một cách trọn-vẹn, sâu-sắc mới chính
là lúc “ Thầy/ Cô” được gọi một cách thiêng liêng với đầy sự tôn trọng và biết
ơn như cái danh xưng nó vốn dĩ.
Ta sẽ mãi trách móc tại sao phải học hình học không gian với các chứng
minh kèm những khái niệm hàn lâm toạ độ, tiếp tuyến, trọng tâm,… cho đến khi ta
hiểu được: cuộc sống này thứ ta nhìn thấy chỉ là một điểm của sự vật/ hiện tượng,
thứ ta chưa thấy là cả 1 ngân hà mà nếu không có thầy dạy Thể dục thì ta làm gì
có sức bền hay biết được cách tăng tốc để tiếp tục hành trình tìm những điểm
song song, thẳng hàng của không gian cuộc đời.
Ta sẽ mãi trách móc Bố Mẹ tại sao không cho mình một xuất phát điểm đủ
đầy hơn, đỡ khắc nghiệt hơn thì tương lai mình biết-đâu sẽ sáng sủa hơn, cho đến
khi ta đối diện với những chuỗi ngày đen tối của cuộc đời và chợt mỉm cười vì
thấy nó nhẹ nhàng quá, lúc đó ta hiểu rằng: Bố Mẹ đã mang đến bài học trải nghiệm
hiện thực xã hội từ sớm để ta thấy chẳng gì có thể làm chùn ý chí và nghị lực
vươn lên của bản thân.
Ta sẽ mãi trách móc Sếp đã không ở cạnh để chỉ dẫn, bảo vệ, đã không
công bằng, đã không công nhận nỗ lực của mình,… và ta hoàn toàn có đủ khả năng
đạt được thành tựu nếu … đổi Sếp khác cho đến khi ta làm Sếp, ta được ngồi ở vị
trí của Sếp, ta được làm công việc của Sếp và ta trở thành người Sếp mà bản
thân cất công tìm kiếm bấy lâu, lúc đó ta hiểu rằng: làm Sếp trên giấy tờ - dễ ẹc,
làm Sếp được nhân viên công nhận, mang lại giá trị cho họ mới là đích đến và
chính người Sếp năm nào ta trách móc đã âm thầm mang lại những giá trị vô hình
- đó là động lực, là chân dung rõ hơn của một người Sếp mình mơ ước và trở
thành.
Ở góc độ xã hội, Thầy/ Cô còn là bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, đối
tác, thậm chí là người yêu cũ hay… một người lạ vừa gặp sáng nay.
Điểm chung của họ chính là “mang đến bài học” và tất nhiên lựa chọn học
bài học đó như nào kèm theo cảm xúc gì sẽ đi cùng là do bản thân mình quyết định,
dù sớm dù muộn, ai cũng sẽ có một hành trình cần được hoàn thành trong kiếp sống
này.
Vậy nên đừng tước đi quyền ĐƯỢC HỌC và NHẬN RA người Thầy trong đời của
bất kì ai, vì thành tựu lớn nhất chính là bản thân mình của hiện tại, bằng lòng
biết ơn và sự tôn trọng.
Hằng
Trần