HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 4

THẤU HIỂU CẢM XÚC - BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC

Trong cuốn sách nổi tiếng “Trí tuệ cảm xúc”, tác giả Daniel Goeman đã giải thích đầy thuyết phục về tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc, chỉ rõ năng lực cảm xúc thậm chí còn quan trọng hơn khả năng tư duy thông thường.

Walter Scott (1771 - 1832) là nhà văn, nhà thơ, nhà kể chuyện bẩm sinh người Scotland cho rằng: “Để thành công, thái độ cũng quan trọng như kỹ năng.”

Nhà thơ William Butler Yeats người Ireland từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1923 cũng nói rằng: “Những người chỉ dựa vào giải thích mang tính logic, triết lý và lý trí, cuối cùng cũng sẽ nhận thấy mình thiếu đi phần quan trọng nhất của tâm hồn”. Ý ông ta nói đến ở đây là cảm xúc.

Cấp độ 1: Nhận biết cảm xúc của bản thân và người xung quanh.

Cấp độ 2: Hiểu biết, thấu cảm được nguyên nhân và hậu quả của cảm xúc đó.

Cấp độ 3: Tạo ra cảm xúc có khả năng diễn tả và đáp lại cảm xúc của người khác. Thông qua đó biết lắng nghe, thông cảm và chia sẻ, hiểu và đáp lại theo ngôn ngữ của đối phương, hòa hợp cảm xúc với xã hội.

Cấp độ 4: Quản lý và làm chủ cảm xúc. Là khả năng điều chỉnh cảm xúc của bản thân, của người khác và khả năng thích nghi để thay đổi với hoàn cảnh.

Theo công thức thành công của người Do Thái là: IQ + (AQ + EQ) trong đó chỉ số thông minh chỉ chiếm có 20%, 80% còn lại được quyết định bởi chỉ số thông minh cảm xúc (viết tắt EQ) và chỉ số vượt khó. Đây chưa hẳn là công thức đúng nhất cho sự thành công, dù Do Thái là một dân tộc cực kì thông minh, nhưng nó cho thấy vai trò của chỉ số thông minh cảm xúc đối với con người.

Như vậy có thể khẳng định rằng chỉ số EQ là một trong những nhân tố thiết yếu để mang đến sự thành công, hạnh phúc, sự nhạy cảm giữa con người với con người.

Quan trọng như vậy, nhưng chỉ số này còn rất khiêm tốn ở hầu hết mọi người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bằng chứng là ngày nay bạn thấy nhiều người ở nhiều thế hệ khác nhau rất thiếu khả năng tự chủ về cảm xúc bản thân, nội tâm dễ bị xáo trộn bởi các yếu tố bên ngoài. Thiếu khả năng điều hòa cảm xúc, nhiều người không làm chủ được cảm xúc của mình, bị chi phối, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như trong công việc. Họ cũng dễ phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn một cô gái có cảm giác cô đơn vì ở một mình hoặc đi học xa nhà dễ dàng tìm kiếm những mối tình, cặp kè với một vài anh chàng. Đơn giản chỉ vì mong muốn có cảm giác an toàn, tìm kiếm chỗ dựa tinh thần. Hoặc cô ấy có thể buông thả bản thân rơi vào những chuỗi ngày ăn uống vô độ, để khỏa lấp cảm xúc trống vắng một mình. Một chàng trai có thể dễ dàng tìm đến thuốc lá, chất gây nghiện, rượu bia, hay tình dục để tự an ủi bản thân khi cảm xúc của anh ta rơi vào trạng thái tiêu cực. Tệ hơn nữa, nhiều người khi tự đối mặt với sự bất ổn trong cảm xúc, họ dễ đi đến những quyết định sai lầm, thậm chí đánh đổi bằng chính mạng sống của mình chỉ vì vài phút không làm chủ được bản thân. Tóm lại, họ là người nô lệ của cảm xúc, cảm xúc chi phối mọi hành động.

Cảm xúc theo chúng ta hàng ngày, hàng giờ và mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống, nên việc điều hòa và làm chủ được cảm xúc là một trong những năng lực cá nhân, cũng là kỹ năng quan trọng cần bồi dưỡng cho trẻ. Người mà ngay cả cảm xúc của bản thân còn không thể khống chế được, làm sao khống chế được cuộc đời mình, làm sao vươn đến sự thành công, còn hạnh phúc thì mãi mãi nằm ngoài tầm tay.

Trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng mất tự chủ cảm xúc của chúng ta là do từ bé đến lớn nền giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội) ở nước nhà chưa bao giờ đề cập một cách bài bản, chuyên nghiệp đến việc rèn luyện năng lực cảm xúc. Cho nên trước tiên cần nhìn nhận lại yếu tố cấu thành nên năng lực này từ “lớp vỡ lòng” tại chính gia đình mình. Những tình huống thực tế sau đây cho thấy rằng, ngay từ nhỏ, chúng ta đã được nuôi dưỡng trong những môi trường mà cảm xúc không thể bộc lộ một cách lành mạnh. Điều này có thể gây ra những tổn thương nặng nề lên chúng ta, lâu dần dẫn đến sự yếu kém trong phát triển cảm xúc.

Lúc còn nhỏ, cảm xúc của bạn thường xuyên bị phủ nhận, không có cơ hội thể hiện, bộc lộ cảm xúc của mình. Thậm chí những cảm xúc đó bị đè nén, chất chứa trong lòng.

Bạn lúc nhỏ: “Con no rồi, không muốn ăn nữa.”

Mẹ: “Con chưa no đâu, ăn thêm chút nữa đi.”

Bạn: “Nhưng con không muốn ăn nữa.”

Mẹ: “Ráng ăn thêm một chút nữa đi.”

Bạn khóc nức nở nói với bố: “Em đánh con.”

Bố: “Em đánh nhẹ mà, có gì đâu phải khóc, thôi nín đi.”

Bạn thích làm thế này, thế kia nhưng bố bạn lại nói: “Con là con trai phải mạnh mẽ lên, không được khóc, không được vào bếp, không được trang điểm, không được múa. Con là con trai, là trụ cột trong nhà và phải có trách nhiệm với cả gia đình.”

Nếu bạn là con gái, mẹ lại nói: “Là con gái, nên hiền thục đoan trang, không được đụng chút là đánh đấm, chạy nhảy như con trai vậy, không được chơi súng, đá bóng. Con là chị lớn, con cần phải chăm sóc các em, con làm chị có đồ chơi đẹp cũng phải nhường em.”

Những điều đó làm cho bạn đánh mất đi con người tự nhiên, tạo nên thói đạo đức giả, hành động giả, cảm xúc bị dồn nén. Làm con tim đóng lại và tạo ra những “con người giả”, con người sống không thật với cảm xúc của mình. Bạn sống với những tổn thương, sự dồn nén sâu thật sâu bên dưới. Bạn vô tình hay cố ý dần dần sống với những lớp mặt nạ, bên trong nghĩ thế này nhưng bên ngoài lại thể hiện theo một cảm xúc hoàn toàn khác.

Một nguyên nhân khác nữa là cảm xúc của bạn dễ bị phụ thuộc bởi người ngoài, ngay khi bạn có những dấu hiệu không vui, bố mẹ bạn đã chạy đến giúp bạn xử lý cảm xúc, cũng chính vì vậy mà họ đã tước mất đi cơ hội đối mặt và tự điều chỉnh cảm xúc của bạn. Vì sợ họ có thể bị tổn thương tâm lý, hay đơn giản là vì bố mẹ bạn nghĩ rằng, họ có thể dễ dàng loại bỏ nỗi buồn, thì tại sao lại phải để đứa con nhỏ bé của mình chịu đựng chứ.

Con không muốn đi ngủ mà không có mẹ ư. Được rồi mẹ sẽ vào nằm với con một lúc. Sáng thức giấc, một cách bản năng bạn khóc gọi mẹ, hay đơn giản đó là sự mè nheo, mẹ lại ngay lập tức chạy vào ẵm.

Khi bố đi làm mà không dẫn bạn theo, bạn buồn tủi và khóc. Mẹ lại an ủi, hứa này hứa kia để dỗ dành.

Khi bận rộn với công việc, để bạn ở nhà không ai chơi cùng. Vậy là bố mẹ đưa cho điện thoại dùng, để bạn có thể ngoan ngoãn trong khoảng thời gian đó.

Nhà tâm lý học Elisabeth Kübler-Ross có nói: “Những người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát và đã tìm được đường ra khỏi vực sâu. Những người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời. Cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Không bùn không sen; không khổ đau không hạnh phúc; không lầm đường lạc lối không biết đúng sai. Người đẹp không tự nhiên mà có”. Vẻ đẹp bên trong chỉ có thể đạt được thông qua bởi mọi kinh nghiệm trong cuộc sống, người đó đã đi qua mọi ngả đường, họ biết đến mọi tâm trạng, nội tâm vô cùng mạnh mẽ.

Cái đẹp của người có nhiều trải nghiệm sẽ có chiều sâu, là vẻ đẹp của linh hồn, sự trưởng thành, tiến hóa, được phát sáng từ bên trong. Hoàn toàn khác cái đẹp của sự trẻ trung hay cái đẹp do nhân tạo làm nên, chỉ là vẻ đẹp của thể chất, hình dáng, họ có thể rất đẹp nhưng cái đẹp đó chưa có chiều sâu, chỉ qua làn da, hình thể bên ngoài. Nhiều người nuôi trẻ nhưng không cho trẻ nghịch bùn, không dám cho nếm trải thử thách, đau khổ, không dám cho trẻ lầm đường lạc lối. Đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường quá ít trải nghiệm, tác nhân kích thích trái chiều, được bao bọc quá mức, thì chỉ có thể mang vẻ đẹp bề ngoài. Cơ thể vật lý không nhận được nhiều tác nhân kích thích đúng mức sẽ kém phát triển, mà cảm xúc lại liên quan trực tiếp đến cơ thể vật lý nên những đứa trẻ đó thường có nội tâm yếu đuối, con tim không được đánh thức nên cảm xúc đơn giản, nghèo nàn, không có được chiều sâu trong tâm hồn.

Cùng với việc không mấy ai biết để rèn luyện có chủ đích kỹ năng này, khiến cho cả một thế hệ thiếu đi chỉ số EQ, và mặc nhiên trở thành những con rối của cảm xúc, như con thuyền nhỏ ngoài đại dương dậy sóng, không một chút bình yên, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị đánh chìm bởi con sóng mang tên cảm xúc. Vì lớn lên trong môi trường và hoàn cảnh như thế, bạn không biết cách nhận biết, thể hiện cảm xúc của mình ra bên ngoài, hay cảm xúc đó là gì? Cảm xúc của người xung quanh ra sao?

Nguyên nhân từ đâu, phải đối mặt thế nào?

Giờ đây bạn đã biết điều mà mình đang đối mặt mang tên cảm xúc, cũng như có nhiều thách thức trong quá trình đánh thức chỉ số EQ cho những đứa con. Vì con bạn đang sống trong một thời kỳ chứa đầy những rối loạn cảm xúc từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, được ghi nhận vào các giác quan của trẻ. Bên cạnh đó phải kể đến, do người lớn chúng ta là những người còn thiếu rất nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng về cảm xúc, chưa điều hòa, làm chủ và biết cách thể hiện được cảm xúc của mình. Bạn vẫn còn hò hét, hành động thô bạo, lời lẽ thô tục. Muốn dạy cho con trẻ những bài học hay về cuộc sống, muốn cho đứa trẻ có những chuyển biến tốt hơn thì trước hết bản thân bạn cần là người thay đổi. Đầu tiên bạn cần học cách đối mặt và làm chủ cảm xúc trước khi dạy cho trẻ phải làm gì. Bạn không thể dạy cho trẻ những kỹ năng mà chính bạn cũng không biết và không hiểu về nó.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.