HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 4 (TIẾP THEO)

THẤU HIỂU CẢM XÚC - BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC

Những phương pháp sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bản thân và biết cách rèn luyện chỉ số EQ cho trẻ. Giúp trẻ có được năng lực, kỹ năng ngay từ nhỏ, để có được bản lĩnh cần thiết khi đối mặt với những cảm xúc mà cuộc sống chắc chắn sẽ mang đến.

I. BẠN LÀ NGƯỜI TỰ CHỦ CẢM XÚC TRƯỚC KHI CÓ THỂ DẠY TRẺ BẤT CỨ ĐIỀU GÌ

Nếu bạn được sống, lớn lên trong một môi trường mà ở đó phong vũ biểu cảm, cảm xúc của bố mẹ là la mắng, đánh, trách móc thậm tệ, đến những cơn giận lên đỉnh điểm khi bạn làm một điều gì đó trái ý hoặc không như mong muốn của họ, thì thật khó để bạn có thể dạy con mình theo một cách khác được. Đây là thử thách lớn, vì hầu hết chưa có ai trong chúng ta có một tấm gương tốt cho chính mình.

Tuy nhiên, bạn hiểu rõ bản thân mình bao nhiêu thì bạn càng làm bố mẹ, người hướng dẫn, người giáo dục tốt bấy nhiêu. Đơn giản là cách bạn làm gương cho đứa trẻ. Bạn không thể gào thét vào mặt con để bắt con ngừng gào thét, hay khóc lóc hoặc quát nạt chúng để bảo chúng bình tĩnh lại. Bạn cần quan sát tâm mình, hiểu mình đang như thế nào, ra làm sao trước khi yêu cầu kỷ luật với đứa trẻ.

Hãy làm tấm gương sáng về việc tự chủ cảm xúc, đừng hành xử với con khi tâm trạng bất ổn. Bạn có thể ngay lập tức gào lên khi trẻ phá tung tủ quần áo: “Sao con hư quá vậy”. Trẻ làm vỡ món đồ quý giá mà bạn mới mua: “Con thật hậu đậu”, thậm chí tát cho trẻ một vài cái. Trẻ vô tình làm phá hỏng công việc mà bạn bỏ nhiều thời gian, công sức và sắp sửa hoàn thành, bạn có thể gào lên: “Con đúng là đồ phá hoại”, một cách bản năng ai cũng làm như vậy cả.

Nhưng bạn không làm như vậy, bạn cho con thấy rằng, chính bố mẹ, hay người lớn cũng cần dành một khoảng thời gian riêng, vài phút hay một vài tiếng ở một mình để điều chỉnh cảm xúc. Bạn cần tĩnh lặng và học cách quan sát cảm xúc của mình (trong tĩnh có động), xem nguyên nhân từ đâu mà nổi lên những cung bậc cảm xúc: hỷ, nộ, ái, ố... Rồi bạn nhận ra: “Mình đang điên lên vì con phá tung tủ quần áo; Vì con làm vỡ món đồ quý giá; Vì con phá hỏng công việc của bạn”, bạn hiểu được nguyên nhân làm cảm xúc của mình trở nên khó chịu.

Khi tĩnh lại và quan sát chính mình, bạn không chối bỏ nó, nhìn nhận tất cả các cung bậc cảm xúc: đang buồn hay vui, đang thù ghét hay yêu thương, đang hờn giận hay tha thứ,... bạn hoàn toàn tỉnh thức nhận biết cảm xúc của mình như thế nào và nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đó. Bạn đứng ở vai trò là người quan sát và không bị cuốn vào những cảm xúc đấy. Bạn hiểu được nguyên nhân dẫn đến cảm xúc tích cực, hạnh phúc nhưng không mong cầu, thấy cảnh vui cũng không khởi một niệm ham. Ngược lại, bạn cũng không chối bỏ và trốn tránh những nguyên nhân dẫn đến cảm xúc tiêu cực, làm bạn sầu khổ.

Đón nhận, quan sát và trải nghiệm tính hai mặt, làm được như vậy bạn sẽ về điểm cân bằng. Ở điểm cân bằng bạn từ tốn quan sát vạn sự đến với mình, tâm bình an trước mọi tình huống. Lúc đó bạn hoàn toàn tự chủ được cảm xúc của mình, tâm an thì trí tuệ nảy sinh từ đó, bạn có thể biết cách chuyển nghịch cảnh thành hỷ cảnh, chuyển hóa năng lượng tiêu cực thành tích cực.

Khi tâm an, bạn hoàn toàn tự chủ được cảm xúc của mình. Bạn xử lý vấn đề một cách sáng suốt, đúng đắn và đứa trẻ cũng sẽ học được từ bố mẹ hình mẫu lý tưởng về cách tự chủ cảm xúc.

Làm sao chúng ta có thể dạy được con, khi còn chưa tự chủ được cảm xúc của chính mình?

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.