HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

GIA ĐÌNH ĐỌC SÁCH-GẮN KẾT YÊU THƯƠNG

Nguyễn Quốc Vương

Xin kính chào quý vị khán giả!

Rất vui vì được có mặt tại đây để nói chuyện với quý vị về văn hóa đọc trong gia đình.

                             Dịch giả, TS Nguyễn Quốc Vương. nguồn FB

Cảm ơn Vụ thư viện và NXB Phụ Nữ vì đã mời tôi tham gia sự kiện đặc biệt này.

Chị Lan, chị Phượng ở NXB Phụ nữ có giao hẹn với tôi rằng “thầy chỉ có 30 phút thôi đấy. Nhưng phải làm sao cho tất cả mọi người ngồi nghe, nghe xong đều thích sách, ai chưa có tủ sách trong nhà thì nghe xong về nhà làm ngay. Và cuối cùng, mọi người tham gia sẽ mua hết tất cả sách bày ở ngoài kia”.

Một việc thật khó!

Để lay chuyển tâm thế của một con người, một cộng đồng không phải là chuyện dễ. Đơn giản vì sự chuyển biến đó phải đến từ bên trong mỗi con người chứ không thể đến từ người khác. Ở điểm này yêu sách, yêu đọc cũng giống như yêu một ai đó, và quan tâm đến người ấy.

Mà như các bạn biết đấy. Trong tình yêu không có gì ép được.

Hôm nay chúng ta ngồi đây, trước “Ngày gia đình Việt Nam” một ngày. Cũng như những ngày kỉ niệm khác, ý nghĩa của nó là để chúng ta thêm một lần suy ngẫm thật sâu về ý nghĩa của gia đình, nhìn lại bản thân và xem mình có thể làm gì.

Gia đình-một không gian, một kết cấu tổ chức vi mô của xã hội chỉ được hình thành khi loài người đã chạm đến một ngưỡng văn minh nào đó trong lịch sử.

Điều ấy nói lên rằng, gia đình cũng là biểu hiện và là nền tảng của xã hội văn minh. Xã hội có nhiều gia đình tốt, hạnh phúc, xã hội sẽ phát triển lành mạnh và ngược lại.

Nhiều nhà tâm lý, xã hội học, triết học đều chia sẻ chung ý tưởng rằng cá nhân con người cho dù ngày càng trở nên độc lập và có lối sống, giá trị quan phong phú nhưng về cơ bản, họ chỉ có thể cảm nhận được hạnh phúc khi sống trong gia đình hoặc trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.

Trái lại, con người, dù là vĩ nhân hay những người bình thường nhất đều đau khổ khi không có gia đình hạnh phúc. Rất nhiều vĩ nhân, người nổi tiếng thành công trong sự nghiệp nhưng thất bại và bất hạnh trong cuộc sống gia đình.

Tôi đã từng sống hơn 8 năm ở Nhật. Ở đó, tivi thường có những chương trình đặc biệt phát vào dịp cuối năm để phòng ngừa tự sát. Thủ tướng Nhật như thủ tướng Shinzo Abe còn lên cả các chương trình đó phát đi thông điệp “hãy quý trọng cuộc sống. Bạn không chỉ có một mình”. Có nhiều lý do khiến nhiều người Nhật từ bỏ cuộc sống trong đó có chuyện vào cuối năm, khi Tết đến (người Nhật ăn tết Dương), người người trở về nhà sum họp, đón Tết cùng gia đình, những ai “không có nơi để về”, không có gia đình yên ấm sẽ trở nên cô đơn và buồn hơn bao giờ hết.

Không chỉ Nhật Bản, gia đình và hạnh phúc gia đình đang trở thành thử thách lớn lao cho mỗi chúng ta trong cuộc sống hiện đại ngày một phức tạp và hối hả.

Ở Nhật, số liệu thống kê cho biết cứ 10 đôi đưa nhau tới nhà thờ hay đền thờ Thần đạo trao nhẫn cưới thì có 3 đôi lặng lẽ kí vào giấy ra tòa ly hôn.

Ở Việt Nam là bao nhiêu? Có lẽ con số cũng không phải là nhỏ.

Bạo lực gia đình, ngược đãi trẻ em…cũng đang trở thành những vấn đề xã hội nóng bỏng.

Nhìn từ vũ trụ và lịch sử của nó con người mới nhỏ bé làm sao. Tất cả chúng ta ngồi đây đều vô cùng nhỏ bé và yếu ớt trước vũ trụ. Chúng ta sẽ đều già, mắc bệnh, trải qua đau đớn và tan thành cát bụi trong vũ trụ mênh mông, sâu thẳm.

Nhìn từ các vấn đề xã hội, và các số liệu thống kê liên quan đến gia đình ta thấy gia đình và hạnh phúc gia đình cũng mới mong manh làm sao.

Con người thật giống như một hạt cây bị gió cuốn bay đi trong không gian vô hạn để rồi rớt xuống đâu đó. Có thể là một kẽ nứt trên bức tường. Có thể là một chậu cây cảnh bị bỏ hoang. Hoặc có khi là một bãi đất trống.

Nhưng con người là sinh vật có trí tuệ và khả năng tổ chức. Vì thế, cho dù “bị đặt vào đâu đó” (một hoàn cảnh nào đó con người không thể có lựa chọn), hạt giống-người đó vẫn trở thành cây, lớn lên hút nước, lấy ánh sáng và nở ra bông hoa đẹp nhất. Đấy  là một ý-một triết lý tôi học được từ tác giả Watanabe Kazuko (Nhật Bản) tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng như “hãy nở ở nơi bị đặt vào”, “hạnh phúc hay không do ta quyết định” mà tôi có may mắn được đọc hoặc đã dịch ra tiếng Việt.

Bởi thế, để có gia đình hạnh phúc ta có thể làm được nhiều điều cho dù không phải là tất cả.

Làm gì đây?

Sẽ bắt đầu từ đâu?

Sẽ có nhiều cách để củng cố, gắn kết mối quan hệ tình cảm bền chặt giữa các thành viên trong gia đình. Làm tủ sách cho gia đình là một cách. Đây là cách tôi đã suy nghĩ, nói nhiều về nó và thực hành nó trong đời sống.

Đúng hơn, là tôi đã kế thừa ý tưởng và hành động đó từ cha tôi, một giáo viên dạy toán THCS nghỉ mất sức những  năm 90 của thế kỉ trước và về làng làm ruộng nuôi con. Hồi đó gia đình tôi rất nghèo, nhưng trong nhà vẫn có một thư viện nho nhỏ cho cả gia đình do bố tôi xây dựng. Vì thế, lên 9-10 tuổi, tôi đã được chìm đắm trong thế giới của sách vở, văn chương. Tôi đã đọc “Thép đã tôi thế đấy”, “Mục đích cuộc sống”, “Một nửa đàn ông là đàn bà”, “Đất vỡ hoang”, “Sông đông êm đềm” …ngay từ tiểu học. Cửa sổ dưới những giá sách là nơi tôi thích ngồi nhất. Bây giờ nó vẫn còn và mỗi lần về quê nhìn nó, trong lòng tôi lại dội lên bao nhiêu kỉ niệm và niềm hạnh phúc.

Trải nghiệm đó theo tôi mãi và thật hữu ích trên đường đời nhất là trong những phút giây cô độc và buồn khổ nhất.

Nhà tôi, bây giờ phòng khách cũng chính là thư viện của gia đình. Ở đó không có tivi chỉ có bàn tiếp khách và…sách. Một tủ sách có chiều dài hơn 6m và cao hơn 3m ngự trị ở đó. Tôi đọc sách ở đó. Vợ tôi tìm sách ở đó và các con cũng thích trèo lên bới lung tung ở đó.

Chụp ảnh khoe lên Facebook, nhiều người khen “đẹp quá”, “có người hỏi làm mất nhiều tiền không, bao nhiêu…

Thật ra, cái khó nhất khi làm cho một tủ sách xuất hiện ở trong một ngôi nhà nào đó không phải là chuyện làm tủ sách đó mất bao nhiêu tiền. Đơn giản vì nếu quan sát chúng ta sẽ thấy có vô vàn những căn nhà lớn, đẹp đẽ, chủ nhân giàu có nhưng trong đó không có bóng dáng của tủ sách nào, thậm chí là một quyển sách cũng không. Và ngược lại, bạn cũng sẽ thấy nhiều ngôi nhà bình thường, thậm chí là phòng trọ và chủ nhân chỉ là người lao động bình thường nhưng ở đó vẫn có tủ sách, có nhiều sách…

Vấn đề nằm ở mối quan tâm và nhận thức về giá trị. Cái gì cần thiết? Cái gì là quan trọng? Cái gì là trung tâm? Cái gì đáng ưu tiên.

Chẳng hạn có nhiều người thích những chiếc tivi lớn trong phòng khách. Tôi thì không!

Vì vậy, chuyện của tủ sách, của văn hóa đọc trong gia đình là câu chuyện về nhận thức giá trị.

Anh (chị) có hiểu ý nghĩa của không gian văn hóa đối với giáo dục trẻ không?

Có phải đứa trẻ cứ đi học thêm thật nhiều, học trường có danh tiếng là mặc nhiên trở thành người tuyệt vời không? Hay thực tiễn và lý luận cho thấy những đứa trẻ được tắm mình trong không gian văn hóa, các sinh hoạt văn hóa lành mạnh từ nhỏ sẽ có nhiều cơ hội trở thành người có nhân cách và có nhiều cống hiến. Điểm lại các nhà khoa học, nghệ sĩ, chính trị gia vĩ đại trên thế giới ta sẽ thấy phần lớn họ trưởng thành từ cái nôi văn hóa-gia đình. Đối với Việt nam những nhân vật như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Đặng Thái Sơn…cũng là những người ngay từ nhỏ đã được đắm mình trong không gian, sinh hoạt văn hóa. Sự đắm mình ấy không phải chỉ là một vài phút, vài giây, vài buổi, một hai tiếng như đi học thêm, nghe giảng trên lớp mà nó là chuyện cả cuộc đời, là chuyện 24/24 giờ ngay cả trong giấc ngủ.

Tủ sách còn là câu chuyện về lối sống.

Có một điều rất thú vị là khi chúng tôi đi làm tủ sách và khuyến đọc ở khắp nơi, chúng tôi kết bạn với rất nhiều người cùng say mê sách. Và tôi nhận ra một điểm thú vị là hầu hết trong số họ đều ít bia rượu hoặc không say mê chuyện nhậu nhẹt.

Khi mối quan tâm và nhận thức giá trị thay đổi, thói quen sinh hoạt, lối sống cũng thay đổi.

Thật kì diệu!

Có tủ sách trong nhà, bạn và gia đình sẽ thay đổi thói quen sinh hoạt. Sự ồn ào thái quá sẽ biến mất nhường chỗ cho những phút giây tĩnh lặng và suy ngẫm. Bạn và chồng (vợ), các con có thể lặng im lật giở từng trang sách.

Nếu như trước kia bạn hay về nhà muộn, giờ đây bạn có thể về sớm hơn để rồi sau bữa tối bạn và gia đình có thể đọc sách hay trò chuyện về một cuốn sách hấp dẫn nào đó….

Trẻ em thường bướng bỉnh không chịu nghe lời của cha mẹ nhưng không giây phút nào chúng không nhìn vào, dõi theo cha mẹ và ngấm ngầm học theo. Thái độ của cha mẹ đối với sách-biểu tượng của tri thức, văn hóa, giá trị tinh thần sẽ có ảnh hưởng đến nhận thức giá trị của con. Cha mẹ trân trọng sách, say mê sách, hiểu được giá trị của việc đọc để phát triển bản thân, phát triển văn hóa gia đình thì con cũng sẽ học được thái độ đúng đắn đó.

Và ngược lại!

Nếu trong gia đình, trẻ không có cơ hội được nếm trải hương vị ngọt ngào của sách, của đọc, của văn hóa thì cơ hội cảm nhận thấy vẻ đẹp, sự hấp dẫn của nó ở nhà trường và xã hội sẽ thấp hơn nhiều.

Hãy thử hỏi bạn bè và nhìn lại chính bản thân chúng ta mà xem. Những người đọc sách chút ít là buồn ngủ, những người dửng dưng với sách hay nghi ngờ sức mạnh của văn hóa đọc có phải chăng chính là những người đã sinh ra, lớn lên từ những ngôi nhà không có sách?

Triết gia S.Mill của nước Anh cách đây 200 năm đã nói một câu rất chí lý rằng “Người ta sẽ không thể hiểu được đầy đủ ý nghĩa của sự thật khi chưa từng trải nghiệm nó”.

Tôi thấy câu nói đó rất đúng!

Nếu bạn chưa từng đắm chìm trong thế giới của sách, hãy trải nghiệm nó. Nếu ngôi nhà bạn chưa có tủ sách, phòng đọc hãy tạo ra nó. Nếu con bạn chưa đọc sách, hãy làm sao để trẻ đọc nó.

Theo một tài liệu tôi đọc được Việt Nam hiện tại có hơn 26 triệu hộ gia đình. Sẽ tuyệt vời biết bao nếu như chúng ta có 26 triệu tủ sách đặt trong mỗi gia đình.

Khi đó 26 triệu sẽ không chỉ còn là 26 triệu. Số người đọc từ đó sẽ rất lớn và cứ thế nhân lên mãi mãi với tốc độ ngày một nhanh. Cô giáo đọc sách, có tủ sách thì sẽ có lớp học, trường học đọc sách. Giám đốc đọc sách thì sẽ có công ty đọc sách. Chỉ huy –thủ trưởng đọc sách thì sẽ có đơn vị đọc sách. Lãnh đạo đọc sách sẽ có nhân viên đọc sách.

Hiệu quả của 26 triệu tủ sách sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng vượt xa sự tưởng tượng lãng mãn nhất.

Tất nhiên, đó là một khát vọng, một giác mơ rất lãng mạn. Không thể một lúc, một vài người là có thể làm được ngay.

Nhưng chúng ta cần phải bắt đầu. Bắt đầu ngay từ chính căn nhà của mình. Muốn thế giới thay đổi, ta phải thay đổi chính mình và những gì mình có thể thay đổi được ngay. Đừng bao giờ nghĩ mình là hạt cát quá nhỏ bé không thể làm gì? Tất cả mọi thứ trên thế giới, thậm chí cả vũ trụ này đều được tạo dựng nên từ các hạt nhỏ bé hơn cả hạt cát. Hãy suy nghĩ và hành động cho dù mình chỉ là người bình thường. Nhiều sự nhỏ bé sẽ tạo ra sự vĩ đại. Và thậm chí khi sự nhỏ bé thật sự có ý nghĩa, bản thân nó sẽ trở thành vĩ đại.

Có nhiều tín hiệu cho thấy, người Việt ngày càng quan tâm hơn đến văn hóa đọc. Chẳng hạn như để kỉ niệm ngày gia đình Việt Nam, chúng ta ngồi ở đây và nói về đọc sách! Điều mà cách đây mươi năm, chúng ta sẽ không thể nào tưởng tượng được.

Tôi rất hi vọng sau buổi ngày hôm nay, những người chưa đọc sách, sẽ đọc sách.

Nhưng người chưa đọc chăm, đọc nhiều sẽ đọc chăm hơn nhiều hơn.

Những ai chưa có tủ sách, giá sách trong gia đình, trong phòng mình sẽ có.

Những ông bố, bà mẹ nào chưa đọc sách cho con nghe sẽ đọc sách cho con nghe.

Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng khi tủ sách và văn hóa đọc hiện hữu trong mỗi gia đình, hạnh phúc sẽ nhiều lên và chúng ta-mỗi người sẽ có những phút giây bình an và chậm rãi trong cuộc sống hối hả thường ngày.

Xin trân trọng cảm ơn! 

Được tạo bởi Blogger.