TINH HOA GIÁO DỤC 2 (TIẾP THEO)
CỐI LÕI
CỦA GIÁO DỤC, LÀ ĐÁNH THỨC TÌNH YÊU THƯƠNG
III. TÌNH YÊU THƯƠNG BAO LA RỘNG LỚN
Cây đời có đơm hoa kết trái đều nhờ vào tình yêu thương. Nếu không có
yêu thương chắc chắn không có sự sống. Yêu thương chính là phép màu, là món quà
của Tạo hóa, tình yêu thương thuần khiết đến từ trái tim thuần khiết, tình yêu
thương vĩ đại đến từ trí tuệ vĩ đại. Trí tuệ bạn càng nhiều thiện tính thì tình
yêu thương của bạn càng lớn, muốn phát triển tình yêu hãy phát triển trí tuệ.
Trí tuệ là thứ có sẵn trong bản thể mỗi người, trí tuệ là hiểu biết minh bạch
và tường tận, là sự phát triển khách quan nên có tính đồng nhất. Có trí tuệ bạn
sẽ có tình yêu minh triết, là bó đuốc soi đường giữa màn đêm u tối, hơi ấm làm
tan chảy những trái tim băng giá vì đau đớn, tổn thương.
Quy luật nhất thể thần thánh luật tối cao mang tính chất tuyệt đối
trong vũ trụ, tính chất của luật nhất thể thần thánh này chính là vạn vật đồng
nhất thể, tất cả là Một, vì vạn vật đều được sinh ra từ một nguồn, chính là
năng lượng nguyên thủy của Tạo hóa. Dù có tách biệt nhưng không hề khác biệt, sự
khác biệt chỉ là những chuyển biến ngoại cảnh, những màn hư ảo che giấu sự thật
về đời sống duy nhất, sự sống duy nhất, chân lý duy nhất.
Cổ học phương Đông có câu: “Nhất bản tán vạn thù, vạn thù quy nhất bản”.
Lão tử viết: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh
bát quái, bát quái sinh vạn vật”. Sách Sáng thế (1,1) là sách mở đầu cho Kinh
Thánh Cựu Ước chép lại: “Ban đầu Đức Chúa Trời tạo ra trời và đất, sau đó tất cả
sinh loài có trên trái đất này”. Ngôn ngữ Đông Tây tuy thể hiện theo các cách
khác nhau, nhưng cùng hướng về một ý nghĩa, ám chỉ tất cả đều xuất phát từ một
nguồn duy nhất.
Trong Thánh kinh Bhagavad Gita, Đức Krishna cũng đã có một câu nói
mang ẩn nghĩa như vậy: “Thượng đế ngự đồng đều trong vạn vật”. Đây là một kinh
nghiệm rất khó khăn để quán triệt, vì nó ngụ ý một sự đồng ngự khắp nơi, từ vật
tốt đẹp đến vật xấu xa, từ điều cao thượng đến việc thấp hèn, từ hạt bụi, tế
bào, phân tử, nguyên tử đến các thái dương hệ, từ Ma quỷ đến Thần thánh, từ cái
ngã của kẻ trụy lạc đến cái ngã của Thánh nhân. Đức Đạt Ma Sư Tổ là người đã chứng
ngộ được sự thật này nên chửi: “Ông Trời là đống phân”. Lời thóa mạ này xuất
phát từ hiểu biết vĩ đại vô cùng tận của Ông Trời, cái gì cũng là Ông Trời, đống
phân cũng là Ông Trời, Ông Trời gồm thâu hết mọi thứ. Cho nên, sự lộng ngôn của
Đức Đạt Ma thực ra chính là sự minh triết tất cả đều từ một nguồn, cũng là thể
hiện lòng tôn kính tột bậc đối với Ông Trời.
Đây là bằng chứng hùng hồn rằng toàn thể vũ trụ đều là biểu hiện của Đấng
tối cao mà tùy vào văn hóa, ngôn ngữ của mỗi dân tộc, họ gọi bằng những cái tên
khác nhau như Thượng đế, Đức Chí Tôn, Đức Chúa Trời, Tạo hóa, Thần, Phật, Thầy
(Đạo Cao Đài).
Vũ trụ nơi mà tất cả mọi thứ, vạn vật đều có sự liên kết và kết nối với
nhau. Từng lời nói, tư tưởng, niềm tin, và hành động của mỗi chúng ta cũng ảnh
hưởng đến mọi thứ và thế giới xung quanh.
Dù có là gì trong Vũ Trụ đi chăng nữa thì tất cả mọi thứ cũng đều là Một.
Dù có khác biệt về tuổi tác, nguồn gốc, màu da, tầng lớp xã hội, tôn
giáo, nhận thức hay niềm tin, thì tất cả chúng ta vẫn mãi là Một.
Cái tốt đẹp của người khác cũng là cái tốt đẹp của chúng ta, cái xấu
xa của người khác cũng là cái xấu xa của chính ta.
Khi bạn yêu thương người khác cũng chính là bạn yêu thương bản thân
mình. Khi bạn giúp đỡ người khác, cũng chính là giúp đỡ bản thân bạn. Mọi điều
bạn làm với người khác, cũng chính là điều bạn làm với bản thân mình.
Các bậc chân Sư nói rằng: “Nhân loại đau, ta cũng đau… ”, vì họ hiểu rằng
tất cả là Một, vạn vật đều có kết nối với nhau như chân với tay vậy. Chân đau
tay cũng đau, không thể sống trọn vẹn mà thiếu đi bất kỳ bộ phận nào.
Chúa Giê-su cũng hiểu được sự đồng nhất trong vạn vật nên dạy rằng:
“Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi bạn.”
Trong kho tàng ca dao tục ngữ của người Việt Nam cũng khuyên: “Thương
người như thể thương thân”, thể hiện cho tình yêu thương rộng khắp, không phân
biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, đảng phái, đẳng cấp, xã hội.
Khi hiểu rõ tất cả chúng ta là Một, bạn sẽ hiểu lý do tại sao quy luật
vàng của nhân loại luôn là: “Hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn được
đối xử.”
Đây là thứ tình yêu mà bạn cần đạt được nếu muốn đi xa trên hành trình
trưởng thành tâm thức của mình. Tình yêu thương vô điều kiện là tình yêu của Tạo
hóa. Tạo hóa ngự trong vạn vật và yêu thương vạn loài chúng sinh như nhau,
không thiên vị, trong vũ trụ vạn vật tuyệt đối công bằng. Mỗi chúng sinh trong
vũ trụ này đều thiêng liêng như nhau, không có ai giỏi hơn ai, cũng không có ai
kém hơn ai, chỉ là kẻ đi trước, người đi sau. Thì tại sao chúng ta không giúp đỡ
nhau để cùng đi lên, cùng tiến bộ hơn?
Vì vậy đặc điểm của người có trí tuệ, họ mang trong mình tình yêu
thương vô điều kiện, không giới hạn yêu thương trong phạm vi gia đình, tổ chức,
lãnh thổ, tôn giáo này tôn giáo nọ, pháp môn này pháp môn nọ, hay bất kỳ một cá
nhân nào cả. Ở đây, người được yêu thương không chỉ là cha mẹ, anh chị em, họ
hàng bạn bè, người trong cùng quốc gia mà đối với tất cả mọi người không phân
biệt dòng giống, màu da, giai cấp, đất nước. Rộng hơn nữa, nó vượt qua được
ranh giới giữa người với người và lan tỏa đến muôn loài, cỏ cây hoa lá. Một
tình yêu thương vô điều kiện thực sự không bao giờ đòi hỏi sự đáp trả hay mong
cầu, đối tượng được yêu thương là toàn thể loài người, đến muông thú cỏ cây,
không giới hạn, không có ý niệm phân biệt giữa những sự vật, sự việc, người bạn
thích bạn thương, tốt hay xấu.
“Yêu thương là chìa khóa mở cửa của Bạch Ngọc Kinh”, trích Bước đầu học
đạo.
Trần Huy Toàn