NHẬN RA BẢN CHẤT THẬT CỦA CUỘC ĐỜI
“... Đứng trước những sự cố hay
những vấn đề rắc rối, chúng ta thường có thói quen hành động vội vàng theo cảm
tính hoặc quan niệm đã được lập trình sẵn trong bộ nhớ, thiếu nhận thức sự kiện
trực tiếp rõ ràng và thiếu soi chiếu lại mình một cách minh bạch.
Điều gì trái ý chúng ta liền giận dữ phản kháng, và cố gắng loại trừ
càng sớm càng tốt; điều gì vừa lòng thì thích thú nắm bắt ngay và nỗ lực chiếm
hữu cho bằng được.
Hai thái độ cảm tính và quán tính này thiếu hẳn sự sáng suốt tỉnh thức
và sự trầm tĩnh nhẫn nại.
Người trầm tĩnh sáng suốt, thường biết quan sát khách quan mọi sự mọi
vật theo bản chất tự nhiên, sẽ không vội vàng phản ứng một cách thiếu tỉnh thức
như vậy, vì họ biết rằng bất cứ điều gì xảy ra đều có nguyên nhân và điều kiện
của nó theo qui trình vận hành tự nhiên của nhân quả.
Muốn thấy rõ bản chất của mọi tình huống, chúng ta cần phải biết kham
nhẫn, chịu đựng, kiên trì để quan sát rõ ràng, chiêm nghiệm trung thực và lắng
nghe trọn vẹn bài học khám phá bản chất sự thật.
Ngay cả khi bạn cố gắng hành thiền với tham vọng loại bỏ phiền não khổ
đau để đạt đến lý tưởng an lạc, hoặc sở hữu những khả năng siêu nhiên, cũng chứng
tỏ rằng bạn thiếu kiên nhẫn trong nhận thức khách quan những phiền não khổ đau
này để thấy ra bản chất thật của chúng.
Vì vậy, thực ra, bạn đang cố gắng lẩn tránh thực tại như nó đang hiện
hữu.
Trốn tránh thực tại để theo đuổi một viễn ảnh lý tưởng chỉ là thả mồi
bắt bóng, vì không biết rằng mọi sự tốt đẹp nhất đều đã viên mãn ngay nơi thực
tại hiện tiền này.
Cho nên để thấy ra thực tại vi diệu đó, chúng ta không thể tránh né đối
diện sự thật mà cần phải có đủ can đảm, chân thành mới có thể kham nhẫn chịu đựng
tất cả mọi pháp đến và đi như những yếu tố cần thiết cho bài học từ bi và giác
ngộ.
Điều chúng ta cần không phải là một sở đắc ở tương lai mà là khám phá
sự thật ngay nơi thực tại.
Vô minh, tức không thấy ra bản chất thật của thực tai, là khởi đầu của
phiền não khổ đau trong luân hồi sinh tử.
Không thể chấm dứt những phiền não khổ đau này khi vô minh còn đó, hay
khi thực tại vẫn chỉ là ảo tưởng trong tâm thức chúng ta.
Khi nghe có một vị đạo sư ở một chân trời nào đó có thể truyền dạy
phương pháp đạt được năng lượng hay những khả năng siêu việt như thần thông,
pháp thuật v.v... thì ít người kiềm chế được lòng tham của mình.
Họ chẳng ngần ngại, từ bỏ tình trạng thực tại của mình, lên đường tầm
sư học đạo, sẵn sàng tuân thủ mọi chỉ dẫn hay luật lệ của ông ta, với hy vọng
mau chóng đạt được trạng thái siêu huyền lý tưởng, mà bấy lâu họ hằng mơ ước.
Nhưng lý do nào thúc đẩy những ước mơ đó? Đơn giản chỉ vì bạn không
kham nổi tình trạng bất toàn, bất như ý
của cái ngã hiện tại, nên luôn tìm cầu một bản ngã toàn bích, như ý, ở tương
lai.
Khi đức Phật dạy: “Tương lai không ước vọng” chính là khuyến cáo chúng
ta không nên có ảo tưởng hoàn thiện một cái ta lý tưởng nào ở tương lai, mà chỉ
cần kham nhẫn với thực tại, để thấy rõ ngay tại đây và bây giờ bản chất của sắc-thọ-tưởng-hành-thức
là vô thường, khổ, vô ngã.
Thực ra, không có năng lực nào tốt hơn khả năng có thể kiên trì nhẫn nại
trước mọi thử thách cam go đầy phiền não khổ đau trong cuộc sống hiện tại để học
ra bài học giác ngộ của mình.
Năng lực đó không xuất phát từ ý chí phấn đấu kiên cường của cái ta
dũng mãnh mà từ một tâm hồn giản dị, bình thường, thầm lặng và vô ngã.
Bởi vì, tâm càng giản dị bình thường càng ít cái ta đối kháng, càng dễ
nhẫn nại, trầm tĩnh.
Có trầm tĩnh nhẫn nại mới có từ bi và trí tuệ để sáng suốt thấy rõ lẽ
thật của vạn pháp.
Vậy vấn đề không phải là tránh né phiền não khổ đau hay mong cầu bình
an hạnh phúc mà an lạc chỉ đến khi bạn có đủ trầm tĩnh nhẫn nại để nhận ra bản
chất thật của cuộc đời.
Thầy
Viên Minh chia sẻ!