TINH HOA GIÁO DỤC 1 (TIẾP THEO VÀ HẾT)
HIỂU BIẾT
VỀ CON NGƯỜI, BIẾT CÁCH GIÁO DỤC HIỆU QUẢ (TIẾP THEO)
4. Tạo
lập và thay đổi tư duy
“Bạn nghĩ bạn
có thể hay không thể bạn đều đúng” đó là câu nói của Henry Ford. Bạn nghĩ bạn
là ai, số phận sẽ tạo nên con người bạn như vậy, nếu bạn biết hành động. Suy
nghĩ là vật chất. Suy nghĩ quyết định tất cả những gì bạn có hoặc đã mất. Nhưng
cái gì điều khiển tất cả điều đó? Câu trả lời là chuẩn mực tư duy hay còn gọi
là khái niệm “chuẩn nền.”
Vậy làm sao để
thay đổi và tạo dựng chuẩn nền tư duy tốt. Giải đáp được câu hỏi này sẽ tạo ra
bước ngoặt cuộc đời cho mỗi cá nhân nói chung và lợi ích cho giáo dục trẻ em
nói riêng.
Ngoài cách
phân chia não bộ ra làm ba phần theo cách của Paul D. MacLean, các nhà tâm lý học
cũng phân chia não bộ thành bốn miền tư duy: Miền ý thức, miền tiềm thức, miền
chuẩn nền và miền vô thức. Căn cứ vào chức năng hoạt động của mỗi miền chúng ta
thấy sự tương ứng: Miền ý thức tương ứng với não người, miền tiềm thức và miền
chuẩn nền tương ứng với não thú, và miền vô thức tương ứng với não bò sát.
Như đã biết,
thông tin đầu vào sẽ qua não thú và ở não thú, hệ thống miền limbic sẽ tiến
hành đánh giá thông tin, xét theo sự tương ứng thì chức năng đánh giá thông tin
chính là nhiệm vụ của miền chuẩn nền, nơi lưu giữ những giá trị, niềm tin và
chuẩn mực của mỗi cá nhân. Khi thông tin đưa vào phù hợp với giá trị và niềm
tin của chuẩn nền, thì sẽ được chuẩn nền đưa lên não người, ở đây não người có
nhiệm vụ đánh giá lại thông tin, phân tích xử lý và đưa ra phương án giải quyết.
Ngược lại, khi thông tin đầu vào không phù hợp với hệ thống giá trị, niềm tin của
miền chuẩn nền, sẽ được miền chuẩn nền đưa xuống não bò sát và ở đây sẽ diễn ra
quá trình phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy.”
Hệ thống giá
trị, niềm tin của miền chuẩn nền là một phản ứng có điều kiện do quá trình tập
luyện. Có thể liên tưởng điều này qua cách con người thuần hóa voi. Khi người
ta bắt voi con, thời gian đầu phải dùng một sợi xích lớn để giữ, vì chúng sẽ cố
gắng vùng vẫy hết sức lực nhằm thoát khỏi sợi dây đó. Nhưng con voi vẫn không
bao giờ thoát được. Như vậy khi lớn lên, dẫu người ta buộc bằng một sợi dây nhỏ
mà voi có thể dễ dàng vùng đứt, nó cũng không chạy đi đâu cả. Bởi vì, tâm trí
chúng tin rằng chúng không thể thoát khỏi sợi dây, quá khứ nó đã làm như vậy rất
nhiều lần. Niềm tin mà chuẩn nền tư duy hình thành trong con voi, đó là loại phản
ứng đã được tạo lập rõ ràng trong tiềm thức và quyết định hành động của con voi
về sau. Hay như ngạn ngữ Nga có câu nói: “Nếu bạn gọi một người là con heo, lần
thứ nhất anh ta không tin nhưng đến lần thứ 100 anh ta ăn cám thật”. Hiểu theo
nghĩa đen nếu cứ lặp đi lặp lại một điều gì đó, ở đây là nói cho một người biết
rằng anh ta không phải là người mà là heo, anh ta sẽ nghĩ mình là heo thật và
anh ấy sẽ ăn cám.
Để có một chuẩn
nền tốt, một cuộc sống hạnh phúc, thành đạt, bạn cần bắt đầu xây dựng và hình
thành những suy nghĩ tích cực, thói quen tốt. Quá trình hình thành chuẩn nền tư
duy của mọi người là giống nhau. Chuẩn nền được hình thành không phải ở miền ý
thức mà được tạo ra bởi miền tiềm thức.
Miền tiềm thức
giống như một cái kho chứa đựng những dữ kiện của mỗi cá nhân. Theo nghiên cứu
thì 95% những hành động của bạn thực hiện hằng ngày do tiềm thức chi phối. Những
hành động suy nghĩ được lặp đi lặp lại hằng ngày, sẽ tạo vết khắc trong tư duy
và được nổi lên trên miền tiềm thức và được chuyển lên miền chuẩn nền tư duy.
Những suy nghĩ, hành vi không được lặp lại thường xuyên sẽ được chuyển lại và lặn
sâu dưới miền tiềm thức.
Nhưng tạo lập
và thay đổi chuẩn nền tư duy lại phải bắt đầu từ ý thức. Miền ý thức sẽ điều
khiển, tác động đến sự chuyển dịch những giá trị, niềm tin từ miền tiềm thức
lên miền chuẩn nền.
Chẳng hạn bạn
cảm thấy bản thân mình một người sống không có mục đích, không biết mình muốn
gì, niềm đam mê của mình là gì. Đây rất có thể là do quá trình dài ít nhất 20 đến
25 năm, bạn đã bị bố mẹ hoặc người xung quanh thiết lập tư duy, áp đặt tư tưởng
những mong muốn của họ lên người bạn. Niềm tin này được bạn vô thức chấp nhận
và chi phối tất cả những suy nghĩ hành động của mình, do đó nó cũng trực tiếp
quyết định số phận của bạn. Nhưng vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn thức tỉnh,
bạn không muốn sống cuộc đời thế này nữa, bạn muốn thay đổi, tìm lại chính
mình, sống với đam mê thực sự, với khao khát của mình. Vậy làm sao để thay đổi
được chuẩn nền tư duy, những niềm tin lệch lạc đã vô thức chấp nhận khi còn nhỏ?
Muốn thay đổi được bạn cần trải qua một số bước mà tôi tóm gọn sau đây.
Bước thứ nhất,
bạn cần biết rõ mình thực sự khát khao, mong muốn điều gì? Đó chính là từ khóa
đầu tiên, có thể điều bạn muốn là trở thành người thay đổi nền giáo dục nước
nhà chứ không phải thành một bác sĩ như bố mẹ đã định hướng, áp đặt cho bạn. Tư
duy mới này cần được ý thức tạo lập trước hết.
Bước thứ hai,
bạn cần tu thân, hành động từng bước nhỏ, bắt đầu vực dậy giá trị bên trong,
nói và suy nghĩ như thể là bạn đã nhận được những gì mình mong muốn. Trước tiên
bạn cần nhìn nhận lại bản thân, xem bản thể có hư hại, tổn thương chỗ nào hay
không, để được chữa lành và trở nên lành lặn. Sau đó, bạn cần lặp đi lặp lại
suy nghĩ này trong đầu, thực hiện những hành động thiết thực để tái thiết lập
niềm tin bản thân như đọc sách về giáo dục, con người, quan sát và chơi với trẻ
nhỏ, bắt đầu viết những bài viết có liên quan đến giáo dục.
Song song với
những hành động, đồng thời dùng bán cầu não phải tự thôi miên chính mình, đó là
sự chuyển hóa phần ý thức, niềm tin mới thành hình ảnh, cảm xúc, hình mẫu khác
đi về bản thân mà bạn mong muốn trở thành. Chẳng hạn, bạn tưởng tượng mình đang
đứng lớp và trò chuyện với rất nhiều trẻ nhỏ, bạn đang thuyết trình trước những
giáo viên khác về phương pháp giáo dục mới. Ban đầu có thể bạn còn sợ, còn hoài
nghi, điều này cũng dễ hiểu, tuy nhiên có lời khuyên ở đây là: “Dù sợ hãi vẫn cứ
làm đi, dù hoài nghi nhưng vẫn cứ tin tưởng, tiếp tục hành động.”
Bước thứ ba,
đón nhận bằng những hình ảnh trong tâm trí, lặp lại những suy nghĩ bằng hình ảnh
mới trong đầu. Duy trì nó tối thiểu sáu tháng, thì những cảm xúc về giá trị
trong niềm tin mới của miền ý thức sẽ thay thế cho những giá trị cũ miền tiềm
thức, cuối cùng sẽ tạo lập lại một chuẩn nền tư duy, thói quen mới. Khi đó bạn
sẽ sống với niềm tin mới về bản thân, từ suy nghĩ đến hành động đều được thay đổi.
Do đó vận mệnh cũng khác đi.
Nghĩ về mục
tiêu và kiên trì hành động
Nếu một người
cảm thấy họ không thể làm được một việc gì đó, họ sẽ không bao giờ làm được việc
đó. Phương pháp thay đổi là thay đổi tư tưởng, tư duy bằng tất cả sức mạnh
trong người làm sao để toàn thân, từ đầu óc lan tỏa ra tất cả các tế bào trong
cơ thể một ý nghĩ duy nhất: “Tôi có thể làm được”, nhất định họ sẽ làm được. Mỗi
ngày nên lặp đi lặp lại hàng trăm lần câu “Tôi có thể, và tôi sẽ làm được chuyện
đó”, cho đến khi nào bạn thực sự tin vào điều đó, hình ảnh đó xuất hiện rõ nét
trong tâm trí thì bạn sẽ thay đổi được.
Một trường hợp
cụ thể khác, khi tôi lần đầu tiếp xúc với Bella hai tuổi rưỡi, cũng như bao đứa
trẻ khác mỗi lần bị ngã, tiếng khóc vang lên là ông bà chạy lại bế. Vậy nên với
cô ấy chuẩn nền tư duy đó chính là té ngã - khóc - được bế. Nên dẫn đến hành động
là khi ngã, đều nằm đó chờ người khác lại giúp mà không tự đứng dậy. Tôi muốn
thay đổi chuẩn nền tư duy đó cho Bella, nên nói với Bella từ nay mỗi khi bị ngã
con hãy tự đứng lên. Thời gian đầu lúc Bella vui đùa thỉnh thoảng bé chạy nhảy
bị ngã, vẫn theo thói quen không chịu đứng lên nằm đó khóc đến gần ba mươi
phút. Nhưng tôi nhất quyết không nhượng bộ và cũng ngăn cấm mọi hành động của
những người xung quanh như bạn bè, ông bà, người thân nhằm giúp đỡ bé. Tôi cũng
không mắng, hay hăm dọa bé mà hết sức nhẫn nại chờ đợi bé, cuối cùng Bella cũng
tự mình làm được.
Những buổi
sau vẫn còn khóc, nằm đó ăn vạ, đợi chờ sự giúp đỡ, nhưng giảm dần theo thời
gian và sau những lần như vậy tôi lại nhắc em rằng: “Ngã hãy tự đứng lên nhé!”
(trừ những trường hợp ngã quá nặng). Cứ như vậy khoảng năm tháng sau, có lần bé
dắt xe đạp bị ngã, vừa ngã xuống một cách vô thức bé liền rưng rưng nước mắt định
khóc, nhưng sau bấy nhiêu lâu tập luyện, nghe đi nghe lại lời tôi nói “Ngã - tự
đứng lên”. Dường như trong khoảnh khắc đó, niềm tin về ý thức mới đã hoạt động,
bé tự chủ cảm xúc của mình và đứng lên, rồi tiếp tục đạp xe. Từ đó về sau,
Bella ngã tự đứng trên đôi chân của mình. Có nghĩa rằng tôi đã thành công trong
việc tác động vào ý thức của em, thay thế ý thức mới vào trong tiềm thức cũ và
hình thành nên một chuẩn nền tư duy mới.
Quá trình
hình thành chuẩn nền tư duy cũng giống như hình thành thói quen, đầu tiên là đặt
chuẩn mực và duy trì chuẩn mực đó trong thời gian tối thiểu sáu tháng. Chuẩn mực
tạo suy nghĩ, suy nghĩ tạo hành vi, hành vi tạo thói quen và thói quen tạo nên
số phận của mỗi người. Hệ thống limbic phát triển cao, tiếp tục kiểm soát tâm
lý lành mạnh, khi đứa trẻ có tâm lý, tình cảm ổn định, nó sẽ tự do hoạt động ở
mức độ cao hơn của cấu trúc vỏ não. Bạn nhìn nhận và ứng xử một cách tích cực,
bạn sẽ khai thác tối đa chức năng của não người. Bạn thấy điểm xấu, bạn sẽ rơi
vào não bò sát và nếu để phần não bò sát này chi phối, thì bạn không thể phát
triển cao hơn.
5.
Phương pháp giáo dục hiệu quả
Dựa trên khoa
học não bộ và tâm lý học hành vi con người, chúng ta rút ra được những điểm
quan trọng cốt lõi. Muốn giáo dục sớm nói riêng và giáo dục con người nói chung
đạt được hiệu quả cao nhất, cần có những điều kiện sau.
Thứ nhất, cha
mẹ, thầy cô, người huấn luyện viên, trong quá trình tiếp xúc với trẻ cần tạo được
cho trẻ cảm giác an toàn, tin tưởng, vui vẻ và lan tỏa yêu thương. Thay vì quát
mắng, đe dọa, tạo ra bầu không khí căng thẳng, hãy khen ngợi, khích lệ để không
khởi động tính năng não bò sát. Nếu không làm được như thế, nói không quá nhưng
bạn đang cố gắng “dạy một con bò đọc chữ”, và khi trẻ học không được bạn càng
đánh càng mắng, gây thêm áp lực để mong nó làm tốt hơn. Sai lại càng sai, như
thế chỉ làm trẻ thêm khó học, tiếp thu một cách thụ động, chậm chạp, khó nhớ,
gây ức chế tâm lý, khởi động phản ứng não bò sát khiến trở nên lì lợm, cứng đầu,
khó bảo. Muốn dạy được trẻ, muốn đưa thông tin vào đầu trẻ tốt nhất, cần diễn
ra tự nhiên, sinh động, thông qua diễn kịch, đóng vai.
Tóm lại việc
học tập trá hình dưới các hoạt động vui chơi, cần tổ chức sao cho tự nhiên,
sinh động, như thế mới làm cho cảm xúc, tâm trạng của trẻ trở nên tích cực, vui
vẻ. Khi đó sẽ khởi động được van năng lượng não người, có thể tiếp thu một cách
hiệu quả. Là người hướng dẫn, chỉ đường cho trẻ dù bạn là ai, tài giỏi thế nào,
nếu không làm cho trẻ có cảm tình thì sẽ không làm gì giúp trẻ được, ngược lại
chỉ tổn hại đến các em. Vì khi bạn vô tình hay cố ý làm khởi động phản ứng não
bò sát, trẻ sẽ phản ứng theo cơ chế “chiến đấu hoặc bỏ chạy”, lúc đó trẻ không
thể học hành tiếp thu được.
Trẻ không học
từ những người mà chúng không thích.
Thứ hai,
trong mỗi con người đều có hai phần, “phần người” biểu hiện cho sự thánh linh,
linh thiêng, tâm linh bên trong và “phần con” thể hiện cho bản năng, dục vọng.
Chúng luôn song song tồn tại, điều này hoàn toàn tự nhiên. Phần “con” đã giúp
các loài vật, bao gồm cả con người, có thể kiếm ăn, lẩn tránh kẻ thù, thích
nghi trong bầy đàn, sinh sản và duy trì nòi giống trong hàng triệu năm qua. Tuy
vậy, xã hội loài người bắt đầu phát triển đột biến vài chục ngàn năm gần đây mà
sự tiến hóa sinh học chậm chạp có lẽ đã không thể theo kịp. Kết quả là, một số yếu
tố phần con ở vùng giáp ranh với phần người đã không còn phù hợp với xã hội con
người hiện nay. Những “người bậc cao” là những người đã mạnh dạn, từng bước
khai phá và làm chủ những vùng đất hoang đó. Chẳng hạn, sự ích kỷ có lẽ xuất
phát từ nguồn gốc xa xưa khi chúng ta là những động vật săn mồi, khi mà ưu tiên
hàng đầu là giữ cho chính mình không bị chết đói. Nhưng cho đến ngày nay những
đặc tính đó vẫn chi phối mạnh mẽ hành vi mỗi người trong chúng ta. Một số trường
hợp lý trí nhận thức việc chia sẻ thức ăn là tốt, thì sự ích kỷ cổ xưa vẫn dùng
cảm xúc đố kị để điều khiển ta theo ý nó. Việc của não người lúc đó chỉ là ngụy
tạo ra đủ mọi lý do để vẫn tự cảm thấy mình đẹp đẽ, che đậy bản chất nguyên thủy
vẫn còn tồn đọng trong vỏ bọc và sự hào nhoáng của con người hiện đại.
Giáo dục sớm,
có rất nhiều nhiệm vụ cần thực hiện, tuy nhiên điều quan trọng hơn hết thảy là
khơi dậy được nhân phẩm, phẩm chất làm người bên trong mỗi đứa trẻ. Vì điều này
sẽ được đánh thức dễ dàng trong những năm đầu đời, nhưng là yếu tố cốt lõi định
hình nên con người và một khi đi qua giai đoạn đó sẽ rất khó để thay đổi. Nhờ
vào trí năng phát triển, năng lực lĩnh hội, suy nghĩ nhanh nhẹn như thiên tài,
nhiều người muốn đào tạo đứa trẻ trở thành thần đồng. Nên nhồi nhét cho trẻ thật
nhiều kiến thức, sự hiểu biết về thế giới, học cái này biết cái kia, mà không
khơi dậy được nhân phẩm, phẩm chất làm người cho các em thì mọi hướng đi, sự
phát triển sẽ rất dễ dẫn đến bi kịch. Chưa kể đến cách tập trung phát triển
giáo dục sớm như vậy, có đúng hay không, tạm thời chưa bàn đến. Dẫu có nuôi dạy
và thực sự đánh thức được trí thông minh, tài năng, sở trường bên trong đứa trẻ
đi nữa mà không giúp trẻ chuyển hóa được những trạng thái của bản năng lên cao
hơn, tốt hơn, hoàn thiện hơn để cho những yếu tố này lấn át, kiểm soát lý trí.
Tất cả những điều đó cũng không mang đến lợi ích gì cho đứa trẻ, thậm chí gây
nguy hại cho xã hội.
Trước đây có
một nạn nhân sống sót tại trại tập trung của Đức Quốc Xã sau này trở thành hiệu
trưởng một trường trung học ở Hoa Kỳ. Mỗi khi có một giáo viên mới đến trường,
ông đều gửi cho người kia một bức thư trong đó viết. Thầy cô giáo thân mến! Tôi
đã từng tận mắt chứng kiến những tình cảnh mà nhân loại không nên thấy, những
phòng khí độc do các chuyên gia kiến trúc sư kiến tạo ra, trẻ em bị các bác sĩ
uyên bác hạ độc, trẻ sơ sinh bị các y tá sát hại. Chứng kiến hết, tôi tự hỏi:
“Giáo dục cuối cùng là vì điều gì?”. Tôi thỉnh cầu các bạn, hãy giúp học trò của
mình trở thành những con người có nhân tính. Chỉ khi học trò của bạn trở thành
người có nhân tính, các năng lực đọc viết, tính toán của trẻ mới có giá trị.
Giáo dục là giáo dục linh hồn con người chứ không chỉ đơn thuần nhồi nhét kiến
thức và logic, nếu không tri thức càng nhiều thì càng nguy hại đối với nhân loại.
Có đức, có
tài là bậc thánh nhân
Có đức, bất
tài là bậc quân tử
Vô đức, có
tài là người nguy hiểm Vô đức, bất tài là kẻ vô dụng
Tôn Ngộ Không
là một trong những nhân vật chính của tiểu thuyết Tây du ký, khi vừa sinh ra vốn
là một con khỉ có bản tính lương thiện, thuần khiết, chất phác tự nhiên nào có
tham sân si, thất tình lục dục. Sau khi lên Linh Sơn bái Bồ Đề Tổ Sư học được
thần thông, tâm tính cũng từ đó mà biến đổi, mang đến cám dỗ lớn khiến nó trở
nên cao ngạo không xem ai ra gì, những ý niệm bất hảo dần dần nảy sinh chọc trời
khuấy nước, gây bao phiền nhiễu. Nên mới cần rèn luyện dưới núi Ngũ Hành, rồi
cùng Đường Tăng đi thỉnh Kinh, cũng lúc này Ngộ Không cần phát triển những mặt
khác của cái tâm con người. Con người ngày nay phần lớn vẫn chưa tỉnh ngộ, chưa
học được những bài học của người xưa. Những chương trình đào tạo, giáo dục hiện
nay hầu hết chỉ tập trung phát triển tài năng, năng khiếu, trí não cho đứa trẻ
mà bỏ mặc đi sự giáo dục về cái Tâm cái Đức, thì khác gì Ngộ Không lên Linh Sơn
học thần thông. Nhưng nếu chỉ tập trung phát triển một chiều, cho dù có được
cái tài ấy như của Ngộ Không cũng chẳng khác gì bạn đã gieo thêm một cái “Tai”
cho con mình và cho cả nhân loại, nên cụ Nguyễn Du nói:
“Có tài mà cậy
chi tài,
Chữ Tài liền
với chữ Tai một vần
Đã mang lấy
Nghiệp vào thân
Cũng đừng
trách Trời gần, Trời xa
Thiện căn ở tại
lòng ta,
Chữ Tâm kia mới
bằng ba chữ Tài.”
Giáo dục có rất
nhiều việc cụ thể, nhưng mục đích cốt lõi của giáo dục đứa trẻ là gì?
Giáo dục
trong những năm đầu đời là giáo dục tâm hồn một con người, bồi dưỡng các phẩm
chất đạo đức - thành người thánh thiện, hiền đức, giàu lòng nhân ái, tình yêu
thương phải lấy đó làm gốc. Cần làm tốt cho bằng được nhiệm vụ cốt lõi, thì việc
cung cấp thông tin, kiến thức, phát triển các kỹ năng, năng tài cho trẻ em mới
mang đến ý nghĩa và lợi ích thực sự. Nền giáo dục toàn diện, hiệu quả cần kết hợp
được hai yếu tố làm khởi lên thiện căn bên trong đồng thời phát huy được trí
thông minh, hiểu biết thành một con người cân bằng và trọn vẹn.
Trần Huy Toàn