NGƯỜI XƯA DẠY CON: HỌC TẬP ĐÂU CHỈ LÀ ĐỌC, VIẾT VÀ LÀM BÀI TẬP Ở NHÀ
Không chỉ nhằm mục đích bổ sung kiến thức và kĩ năng cho nhau trong một
môi trường học tập thân thiện, giáo dục trong gia đình còn là yếu tố nền tảng
giúp tăng cường sự tương tác và gắn bó giữa các thành viên.
Việc dành ra một khoảng thời gian trong ngày để cha mẹ và con cái cùng
nhau học tập những kiến thức mới, hay cải thiện các kỹ năng cần thiết trong cuộc
sống là việc làm vô cùng quan trọng. Trong thời đại bận rộn như hiện nay, phần
lớn các thành viên trong gia đình không có thời gian bên nhau, thời gian dành để
chia sẻ và động viên nhau lại càng hiếm hoi.
Xây dựng văn hoá gia đình nhấn mạnh vào việc tạo dựng mối tương tác giữa
các thế hệ trong gia đình và với cộng đồng, từ đó nuôi dưỡng văn hóa học tập,
phát triển khả năng đọc viết và các kỹ năng sống khác.
Nhiều người cho rằng việc dạy và học trong gia đình là văn hóa của các
nước phương Tây. Trên thực tế, ở một số nước Tây phương hàng năm đều có những
ngày lễ kỷ niệm nét văn hóa này như Lễ hội Gia đình tổ chức vào tháng 1 ở
Canada và vào tháng 11 ở Mỹ. Những lễ hội này nhấn mạnh vào những lợi ích và niềm
vui khi kết hợp hài hòa giữa việc học tập, trao đổi vào các sinh hoạt hàng
ngày.
Tuy nhiên, việc dạy và học giữa các thế hệ không phải xuất hiện ở xã hội
hiện đại mà là truyền thống lâu đời được bắt nguồn từ các nền văn hoá cổ xưa,
là một khía cạnh của văn hóa truyền thống.
Giảng dạy và học tập mang lại lợi ích đôi bên Việc dạy và học cùng con
là cách giúp bạn định hướng, gợi ý cho con về phương pháp học tập, phương pháp
nhìn nhận, đánh giá và thậm chí cả cách sống, quan niệm đạo đức. Đồng thời, bạn
cũng sẽ bất ngờ học được những điều mới mẻ từ quá trình ấy. Đó có thể là một kỹ
năng, một kiến thức mới, cũng có khi là phát hiện ra một nguyên tắc hay, hoặc
chiêm nghiệm ra một điều mà trước đó bạn chưa từng nghĩ tới.
Khổng Tử trong Kinh Lễ đã giảng về việc dạy và học rằng: “Giảng dạy và
học tập là có lợi cho nhau” và “Giảng dạy là nửa còn lại của học tập”.
Ông cũng viết: “Chỉ sau khi học mới nhận ra những thiếu sót của chính
mình, và chỉ sau khi dạy mới hiểu những khó khăn trong học tập” và “Chỉ sau khi
nhận ra những bất cập của chính mình, con người mới suy ngẫm và chất vấn bản
thân; chỉ sau khi biết được những thách thức thì mới thúc đẩy và củng cố bản
thân để làm tốt hơn”.
Điều đó có nghĩa là cả dạy và học đều giúp người dạy và người học nhận
ra những thiếu sót còn tồn tại, từ đó dần dần hoàn thiện bản thân. Bằng cách
này, giảng dạy và học tập bổ sung cho nhau, giúp cả người dạy và người học lĩnh
hội và trưởng thành.
Vượt qua nghịch cảnh
Thuật ngữ “biết đọc, biết viết” không đơn giản chỉ dừng lại ở việc biết
và thực hành hai kỹ năng này. Thực tế, đọc, viết cùng với số học thực sự là nền
tảng của giáo dục.
Thời Bắc Tống (960-1127) có lưu truyền câu chuyện nổi tiếng về một người
mẹ tận tụy, bằng sự khôn khéo và quyết tâm của mình đã vượt qua nghịch cảnh, dạy
con trai cách đọc và viết.
Người con trai trong câu chuyện
chính là nhà văn và sử gia lỗi lạc Âu Dương Tu (1007 – 1072). Mất cha khi mới lên 4 tuổi, Âu Dương Tu và mẹ sống trong cảnh
nghèo đói chẳng đủ ăn. Nhà nghèo nên càng không bao giờ nghĩ tới chuyện có tiền
mua giấy bút và cho Âu Dương Tu đến trường.
Tuy nhiên, mẹ của Âu Dương Tu đã không bỏ cuộc với việc học của con
trai mình. Bà nghĩ ra một giải pháp – sử dụng cây sậy thay bút để dạy con trai
viết trên đất bùn. Đây chính là nguồn gốc của điển tích “Dùng sậy viết chữ mà dạy
con nên người”.
Cậu bé Âu Dương Tu được mẹ giáo dục từ nhỏ nên sớm yêu thích đọc sách.
Mẹ thường xuyên đưa cậu đến nhà hàng xóm để mượn sách đọc, và đôi khi chép lại
những đoạn hay.
Nhờ sự dẫn dắt và khuyến khích của người mẹ, Âu Dương Tu học hành chăm
chỉ và đã đỗ đầu tiến sĩ ở tuổi 23. Sau đó ông giữ các chức vụ quan trọng trong
suốt 40 năm sự nghiệp.
Dù đã là một vị quan lớn nhưng ông không bao giờ quên những lời dạy của
mẹ. Đó là theo gương của cha, đó là trung thành, tận tụy, trung quân ái quốc, sống
thẳng thắn và lương thiện, không bao giờ tìm kiếm sự giàu có và lợi ích cá
nhân, luôn luôn giúp đỡ người khác.
Cha mẹ làm gương, dạy con bằng thực tế
Các bậc cha mẹ ở bất kỳ thời đại nào cũng vậy, dù đối mặt với muôn vàn
khó khăn, thách thức trong cuộc sống vẫn luôn muốn làm tất cả có thể để hỗ trợ
việc học hành của con cái.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy và tạo điều kiện tốt đẹp
nhất cho con học tập, những bậc cha mẹ cũng nên trở thành tấm gương tốt để con
cái noi theo. Đó là tấm gương về tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng gánh vác mọi công
việc, tấm gương về đức tính kiên trì, tháo vát, kiên cường, coi trọng học tập
và lòng biết ơn.
Người xưa có rất nhiều thành ngữ nói về việc cha mẹ làm tấm gương cho
con cái, ví như “Dùng ngôn từ để dạy chữ và dùng cuộc sống để giảng đạo” hoặc
“Cái gốc của giáo dục là nằm ở thực tại”.
Những thành ngữ này nhắc nhở chúng ta rằng việc dạy bảo của cha mẹ
dành cho con cái nên diễn ra một cách thật tự nhiên thông qua các hoạt động và
tiếp xúc thường ngày. Những hoạt động ấy
bao gồm chơi trò chơi, nấu ăn, nướng bánh, làm vườn, hoặc ngắm những vì sao.
Quan trọng hơn, con của bạn chính là đang học tập khi chúng nhìn bạn đối
xử với người khác ra sao, giải quyết vấn đề, giải quyết mâu thuẫn, và sửa lỗi của
bạn như thế nào. Bởi vậy, việc cha mẹ có thể hành xử đúng đắn, là tấm gương
sáng suốt trong mọi tình huống là những bài học không lời hữu ích nhất dành cho
con. Học tập không chỉ là đọc, viết và làm bài tập ở nhà.
Chia sẻ những câu hỏi
Cha mẹ cũng sẽ giúp nâng cao rất nhiều chất lượng học tập và khả năng
tương tác của trẻ thông qua chia sẻ những thắc mắc về thế giới với các con.
Từ việc quan sát môi trường xung quanh của mình, bạn có thể đặt câu hỏi
và giúp trẻ nhận ra rằng đặt câu hỏi là một điều thật tự nhiên và vô cùng đơn
giản. Hãy hỏi khi không hiểu. Khi đó quá trình cha mẹ và con trẻ cùng nhau đưa
ra thắc mắc, cùng nhau tìm câu trả lời chính là một quá trình học tập sinh động,
trực quan và dễ tiếp thu nhất.
Bằng việc đặt câu hỏi cho các vấn đề với con và đồng hành cùng con từng
bước từng bước trong hành trình giải đáp những “câu đố”, cha mẹ đang hình thành
và rèn luyện cho con những kỹ năng vô cùng thiết yếu, mang lại lợi ích trong suốt
cuộc đời của trẻ.
Thái độ tôn trọng
Thái độ tôn trọng là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến động lực
và kết quả trong học tập. Thừa tướng nổi tiếng của triều đại Bắc Tống, đồng thời
là nhà sử học Tư Mã Quang (1019-1086) đã dạy con mình về sự tôn trọng và những
phẩm chất quan trọng khác của một người tu học.
Một ngày, Tư Mã Quang nhìn thấy con trai mình cầm quyển sách một cách
hờ hững trong khi đọc, ông đã ngay lập tức dạy bảo con trai mình.
Ông nói với con trai: “Một người cao quý thích học sách của Thánh hiền.
Điều đầu tiên là người ấy phải yêu quý và trân trọng những cuốn sách”.
“Trước khi học, cần rửa tay, lau sạch mặt bàn, trải khăn trải bàn.
Trong khi đọc một cuốn sách, cần ngồi thẳng, duy trì thái độ tôn trọng, và tập
trung vào việc đọc, không nên để tâm trí đi lang thang. Việc này cần thực hiện
một cách giản dị, thường xuyên, thiết thực và kiên định”.
“Chỉ bằng cách làm theo những yêu cầu này, con người mới có thể rèn
luyện được nhân cách đạo đức của mình, sau này có thể quản lý gia đình, lớn hơn
nữa là lãnh đạo một đất nước và mang hòa bình, no ấm cho muôn dân”.
Dưới sự hướng dẫn của cha, Tư Mã Khang đã toàn lực học tập và tự cải
thiện bản thân. Anh noi gương cha cả về đức hạnh và học tập. Câu chuyện về Tư
Mã Quang dạy con thực sự đã minh chứng cho lời ca tụng: “Cha con nhà Tư Mã xứng
đáng là những hình mẫu cho người khác noi theo.”
Học từ những người lớn tuổi
Nói về việc dạy và học trong gia đình, không thể không kể đến một hình
mẫu được mọi người vô cùng kính trọng thời Trung Hoa cổ xưa. Đó chính là Minh Đức
Hoàng thái hậu vào triều đại Đông Hán.
Hoàng thái hậu Minh Đức vốn là một người phụ nữ tốt bụng và nhu mì,
thông minh và ham học hỏi. Bà không có con riêng nhưng luôn đối xử với con trai
của chồng, hoàng đế Hán Minh Đế Lưu Trang như mẹ ruột. Bà chăm sóc con trai của
chồng một cách cẩn thận, coi cậu bé như con của chính mình.
Sau đó người con trai này lên ngôi, chính là hoàng đế Hán Chương Đế
Lưu Đát, và Minh Đức trở thành hoàng thái hậu. Bà tiếp tục chăm sóc những người
cháu và dạy chúng kinh sách của các nhà hiền triết xưa như Tứ thư, Ngũ kinh.
Người đời sau này ca ngợi bà “vừa là hình mẫu cho tất cả phụ nữ về
công việc trong nhà vừa là hình mẫu cho tất cả nữ hoàng về công việc của đất nước”.
Ở thời đại nào cũng vậy, có một nguyên tắc bất biến trong việc giáo dục
trẻ chính là lấy giáo dục nhân cách làm nền tảng. Giáo dục nhân cách là giáo dục
cốt cách để làm người, xây dựng một nội tâm trong sáng, mạnh mẽ, thuần phác. Tu
dưỡng nội tâm là nguồn sức mạnh mang đến trí tuệ và sự sáng suốt cho tất cả những
người tu học thời xưa và nay.
-ST-