TINH HOA GIÁO DỤC 4 (TIẾP THEO)
THẤU HIỂU CẢM XÚC - BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC
III. KHẲNG ĐỊNH CẢM XÚC, ĐỂ TRẺ THỂ HIỆN CẢM XÚC CỦA MÌNH VẪN CHƯA
ĐỦ, CẦN CẢM THÔNG CHO CẢM XÚC CỦA CÁC EM
Đồng cảm với cảm xúc của đứa trẻ thôi là chưa đủ, cần có sự cảm thông
với sự đấu tranh bên trong của các em.
Thay vì đi thẳng vào vấn đề: “Trả điện thoại lại cho mẹ”, hoặc “Lúc
nãy con không ăn cơm, nên giờ chờ đến bữa sau nghe”, thì bạn có thể nói theo một
cách khác có tình, hợp lý hơn: “Con có vẻ muốn dùng điện thoại thêm một lúc nhỉ.
Mẹ biết là con đang xem cái gì đó rất thú vị, và mẹ cũng muốn cho con xem thêm
chút nữa. Nhưng vấn đề là hai mẹ con mình đã thống nhất là con chỉ sử dụng mười
phút thôi. Nếu con muốn lần sau mẹ có thể cho mượn tiếp thì con cần giữ lời hứa”.
Hay: “Lúc nãy không ăn cơm nên chắc giờ con thấy đói lắm nhỉ. Thật không dễ chịu
gì khi mang một cái bụng đói như thế, nhưng mẹ sẽ cho con ăn khi đến đúng bữa,
còn bây giờ thì mẹ rất tiếc.”
Henry Ford từng nói: “Nếu như có một bí quyết nào để thành công, thì
nó nằm ở khả năng hiểu và thông cảm với quan điểm của người khác, và nhìn sự việc
theo góc độ của người ấy độc lập với góc độ của chính mình”. Bằng cách này bạn
vừa thể hiện sự cảm thông với trẻ, nhưng bạn vẫn giữ vững quan điểm của chính
mình. Khi cảm xúc của trẻ được công nhận, được nhìn nhận đúng mức khi đó chúng
cũng sẽ cư xử đúng mực hơn. Nguyên nhân là có sự liên hệ trực tiếp giữa cảm xúc
và hành vi, cảm xúc tốt hành vi tốt và ngược lại (Cười thì lên não người -
Quát/tát thì xuống não bò sát!).
Như thế cảm xúc của trẻ sẽ được công nhận, trẻ sẽ hiểu được cảm xúc của
mình hơn, và thông qua sự cảm thông chúng cũng học được cách đặt mình vào vị
trí của người khác để suy nghĩ.
Có câu chuyện như sau, một người mẹ thỉnh thoảng sai cậu con trai sang
hàng xóm xin ít muối, nhưng người con ngạc nhiên khi thấy bếp vẫn còn nhiều.
Người mẹ nói: “Vì nghèo, họ nhờ nhà mình rất nhiều thứ. Vậy nên mình xin vài thứ
lặt vặt để họ nghĩ rằng họ cũng rất quan trọng với nhà mình, lần sau họ có nhờ
vả gì cũng thoải mái hơn… ”. Một đứa trẻ được sinh trưởng trong gia đình có bố
mẹ giàu lòng nhân ái, biết đồng cảm với người, biết đặt mình vào vị trí của người
khác để suy nghĩ, từ đó có cách cư xử nhạy cảm và tinh tế. Như vậy thì những hạt
mầm lương thiện cũng sẽ từ từ nảy nở trong tâm hồn trẻ thơ.
Sự khác biệt lớn nhất giữa người có EQ cao và người có EQ thấp chính
là họ biết nghĩ cho người khác, biết nhìn vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau.
Trần Huy Toàn