TINH HOA GIÁO DỤC 7 (TIẾP THEO)
GIẢI PHÁP CHO CÁC VẤN ĐỀ TRONG
BỮA ĂN VÀ BÀI HỌC LÀM NGƯỜI
I. GIAI ĐOẠN ĂN DẶM TỪ 6 ĐẾN 7
THÁNG TUỔI
Giai đoạn từ 0 đến 6 tháng tuổi thì cần cho bé 100% bú sữa mẹ, vì
không có loại thức ăn và loại sữa công thức nào con người có thể chế biến ra tốt
hơn sữa mẹ được. Từ 6 đến 7 tháng tuổi, ngoài thức ăn chính là sữa mẹ ra có thể
bắt đầu cho bé ăn dặm.
Phương pháp tiến hành
Hai tuần đầu tiên của tháng thứ 6, nguồn thức ăn đến từ thực vật, cần
xay nhuyễn hoàn toàn, mỗi ngày chỉ cho ăn đúng một bữa sáng. Thực đơn mỗi bữa cần
đơn giản, chỉ cần một đến hai loại là được, không nên cho nhiều loại vào thức
ăn của bé, nhưng mỗi ngày mỗi khác. Chẳng hạn, hôm nay là rau, ngày mai cà rốt,
ngày kia là đậu xanh và hạt sen.
Vì mục đích chính giai đoạn này là giới thiệu cho bé làm quen với những
loại thức ăn. Hơn nữa, không trộn lẫn nhiều loại thức ăn vào nhau để trẻ cảm nhận
được vị giác, biết phân biệt các loại thức ăn với nhau. Nên bạn không cần lo về
vấn đề dinh dưỡng, vì giai đoạn này sữa mẹ vẫn là bữa ăn chủ đạo của bé.
Hai tuần tiếp theo chế biến dạng sền sệt, mềm như đậu hũ non để bé dễ
dàng dùng lưỡi và vòm hàm trên để nghiền, vẫn hoàn toàn là dùng thức ăn có nguồn
gốc từ rau, củ, quả, ngũ cốc. Mỗi ngày cho bé ăn hai bữa sáng trưa, không cho
ăn bữa tối và không ép bé ăn. Giai đoạn này tuyệt đối không nên cho thêm gia vị
vào thức ăn.
Cũng như trên, thức ăn không nên trộn lẫn vào nhau, để bé phân biệt và
cảm nhận vị giác tốt hơn. Chẳng hạn, buổi sáng bạn có bí đỏ và đậu trắng, bữa
trưa có rau cải và bông cải thảo thì đừng nên xay chung mà nên tách ra cho bé.
Hai tuần đầu tiên sang tháng thứ 7, mỗi ngày cho ăn ba bữa. Bữa sáng gồm
một món tôm, cá hoặc cua,... mỗi ngày chỉ cho một bữa ăn mặn, hai bữa trưa và tối
cho ăn thực vật. Lúc này thức ăn ở dạng luộc, hấp là chính và được bố mẹ bằm,
thái nhỏ ra như những hạt ngô cho bé nhai.
Hai tuần còn lại của tháng thứ 7 thì thức ăn vẫn duy trì như ở trên,
nhưng cách ăn có sự thay đổi. Bữa sáng và trưa sẽ cho ăn theo kiểu truyền thống
là bố mẹ đút cho con ăn, đến tối sẽ để con tự bốc thức ăn.
Sang tháng thứ 8 ngày bé ăn ba bữa, trong đó bữa trưa ăn mặn và bố mẹ
chỉ đút cho bé vào bữa sáng, hai bữa còn lại con tự ăn.
Kinh nghiệm: Điểm then chốt của giai đoạn này là bé nghiền thức ăn từng
miếng từng miếng một cách từ từ, nghiền nhỏ các mảnh thức ăn bằng lưỡi, miệng
cũng vì thế mà đã móm mém móm mém nhai. Lực và cơ miệng bé phát triển rõ rệt,
tuy nhiên không vì thế mà mẹ vội vàng. Bé nuốt hết trong miệng mẹ mới nên đút
miếng tiếp theo, để tránh bé phải nuốt chửng. Chính tốc độ ăn quá nhanh, hoặc
đút miếng sau chồng lên miếng trước làm bé có thói quen nuốt chửng. Mẹ cũng
không nên đút một muỗng quá nhiều, khiến bé gặp khó khăn trong quá trình nghiền
và nuốt.
Ở thời điểm này hầu hết các bé đã quen với việc ăn dặm, quen với các mảnh
thức ăn và vị của món ăn. Điều này làm bé cảm thấy bớt háo hức hơn thời gian mới
tập ăn, nên một số bé sẽ trải qua thời kỳ biếng ăn sinh lý. Nếu bé vẫn năng động
hoạt bát chơi bình thường, thì mẹ hoàn toàn không cần phải lo lắng. Đây là quá
trình cần thiết trong các giai đoạn phát triển của bé. Đồng thời hãy thử thay đổi
linh hoạt các nguyên liệu giúp bé khám phá sở thích của mình, tuyệt đối không cần
thiết ép bé ăn.
Thời điểm này bé thể hiện hứng thú với đồ, dụng cụ ăn uống, thậm chí với
món ăn. Với trí tò mò của mình, các bé 6 tháng tuổi cũng có xu hướng muốn khám
phá mọi thứ trên bàn. Thức ăn chưa kịp cho vào miệng đã có nguy cơ bị vứt đi để
cầm một món khác lên. Hoặc bé đưa tay ra vẫy thức ăn, nghịch ngợm kéo thìa của
mẹ. Với một chừng mực và một khoảng thời gian nhất định, mẹ hãy để bé làm theo
sở thích của mình. Việc bé vấy thức ăn và nghịch bát thìa là cách bé học tiếp
xúc với món ăn, làm tiền đề quan trọng cho việc tập ăn bốc và tự xúc sau này.
Nên chuẩn bị chỗ ăn của bé sao cho việc dọn dẹp nhẹ nhàng và thuận lợi cho bạn,
tuyệt đối đừng rầy la, quát mắng khi bé nghịch thức ăn, cho dù có mặt mũi nhem
nhuốc.
Trần
Huy Toàn