HÀNH TRÌNH CỦA ĐẠI BÀNG

TINH HOA GIÁO DỤC 6 (TIẾP THEO VÀ HẾT)

CÁCH GIẢI QUYẾT SAI LẦM, THẤT BẠI GIÚP CON TRƯỞNG THÀNH BƯỚC VÀO ĐỜI

IV. CÁCH GIẢI QUYẾT SAI LẦM, THẤT BẠI GIÚP CON TRƯỞNG THÀNH, TỰ TIN BƯỚC VÀO ĐỜI

Để khắc phục chuẩn nền tư duy tiêu cực, dưới đây là ít nhất ba phương pháp xử lý sai lầm, thất bại hiệu quả để xây dựng tiềm thức tích cực cho trẻ khi đối mặt với vấn đề. Tùy vào hoàn cảnh, không gian, thời gian và đặc tính mỗi đứa trẻ, bạn hãy linh hoạt áp dụng nhằm mang lại hiệu quả tối đa.

1. Phương pháp thứ nhất

Khởi đầu của tình yêu là năng lượng suy nghĩ tích cực. Bạn có thể hiểu rằng khi trẻ mắc lỗi, phạm phải sai lầm, thất bại chính là thời điểm quan trọng giúp trẻ học hỏi để trưởng thành trong cuộc sống. Sau đây là những tình huống thực tế đã được ứng dụng và xử lý trong đời sống hằng ngày, chúng ta hãy cùng nhau tham khảo và rút ra kinh nghiệm.

Câu chuyện 1

Một nhà khoa học đã từng có những phát hiện quan trọng trong lĩnh vực y học, ông là Stephen Gray.

Phóng viên phỏng vấn và đặt câu hỏi: “Tại sao ông lại có sức sáng tạo hơn người bình thường đến thế?”

Sở dĩ bản thân ông có được những thành tích trong y học như vậy cũng là nhờ vào phương pháp giáo dục “đặc biệt” của mẹ ông!

Mọi người bất ngờ! Ông nói: “Đây là chuyện có liên quan đến phương pháp xử lý của mẹ đối với tôi lúc tôi còn nhỏ. Có một lần tôi tự mình lấy chai sữa bò trong tủ lạnh, nhưng chai quá trơn tôi cầm không chặt làm chai rơi xuống, sữa bò bắn tung tóe trên mặt đất quả thật trông giống như một đại dương sữa vậy. Mẹ tôi nhìn thấy, nhưng bà không thét lên cũng không phạt tôi.”

Bà nói: “Wow, Robert phiền toái mà con tạo ra đúng thật rất thú vị. Mẹ chưa từng thấy đống sữa bò nào to như vậy. Phải rồi! Dù sao sữa cũng đã đổ, trước khi dọn sạch nó, con có nghĩ chúng ta nên chơi một chút với vũng sữa này không?”

Tôi nghe thấy mẹ nói như vậy quả thực vô cùng ưng ý, lập tức chơi đùa trong vũng sữa. Mấy phút sau, mẹ nói với tôi: “Robert bây giờ con hãy lau sạch nó, đồng thời cất hết đồ chơi vào vị trí ban đầu. Vậy con định dọn nó như thế nào nhỉ? Con muốn dùng dụng cụ nào đây?”

Tôi trả lời: “Con lựa chọn bọt biển”. Vậy là hai mẹ con cùng lau dọn. Nói đến đây, ngay cả phóng viên cũng thừa nhận ông có người mẹ thông minh, độ lượng và vô cùng đáng yêu.

Nhà khoa học nói tiếp, chuyện này chưa hết đâu chờ đến khi chúng tôi dọn dẹp xong. Mẹ tôi lại bảo: “Robert vừa nãy con làm thí nghiệm dùng hai bàn tay nhỏ bé để cầm chai sữa to đã không thành công, bây giờ chúng ta ra sân sau, đổ đầy nước vào chai, xem xem con có cách nào cầm chai lên mà không để nó bị rơi xuống không nhé?”

Tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng chỉ cần dùng hai tay cầm lấy cổ chai, chỗ gần miệng chai, thì chai sẽ không rơi xuống đất. “Đây quả là tiết học quá tuyệt vời!”. Phóng viên thét lên.

Đúng vậy, từ đó trở đi, tôi hiểu rõ rằng tôi không nhất định phải sợ hãi bất kỳ sai lầm nào. Bởi vì sai lầm thông thường là một cơ hội để học hỏi những kiến thức mới, thí nghiệm khoa học cũng là như vậy, cho dù thí nghiệm thất bại thì bạn cũng học được rất nhiều điều trong đó.

Dưới đây là hai tình huống cụ thể, mà tôi đã chuyển được những gì học được từ lý thuyết để áp dụng vào trong đời sống hằng ngày với trẻ.

Có một lần tôi dẫn hai đứa bé bốn tuổi rưỡi và sáu tuổi đến nhà một người bạn, trong lúc chơi đùa, hai đứa nhỏ làm bể cái bát. Lúc đó tôi đứng ngoài quan sát, để xem năng lực xử lý tình huống của chủ nhà đến đâu. Anh Bảo trông thấy thế liền nói với giọng buộc tội và lộ rõ vẻ căng thẳng: “Ai đã làm vỡ cái chén đây?”. Điều này khiến đứa trẻ cảm thấy mất an toàn, dẫn đến không đứa nào muốn nhận trách nhiệm về hành vi của mình nên liên tục đổ lỗi cho nhau. Anh ấy lúc này có vẻ bối rối, không biết phải làm sao để xử lý cho hiệu quả. Thấy không ổn, bằng khuôn mặt vui vẻ và một giọng ấm áp lúc này tôi mới can thiệp: “Không sao, không sao, cái bát vỡ rồi, bây giờ dẫm lên sẽ chảy máu, vậy thì làm sao đây?”. Không thể tin nổi, gần như ngay lập tức tâm lý các em thay đổi 180 độ, hai đứa trẻ trở nên tích cực hơn hẳn, suy nghĩ để tìm cách khắc phục vấn đề và đưa đến kết luận dùng chổi để quét dọn.

Khi không quan tâm ai làm ra điều này, không đổ lỗi cho ai về việc đã xảy ra, chỉ tập trung vào sửa lỗi, khắc phục hậu quả ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, bằng cách này bạn sẽ để cho trẻ tự do tập trung vào trách nhiệm của chúng. Có như vậy, bạn mới hy vọng rằng sau này trong cuộc đời của trẻ, khi chúng làm một việc gì đó sai lầm và có lỗi nó sẽ tự động nghĩ rằng: “Mình phải làm gì để sửa chữa, đưa sự việc lại như cũ bây giờ?”, hoặc “Mình học được chuyện gì qua bài học này?”, hơn là

“Mình đã làm gì thế này. Mình thật vô tích sự, mình đáng bị trừng phạt?”

Năm Bella sáu tuổi, trong khi đi chơi bị ngã xe đạp, vết thương khá nghiêm trọng ở chân, mất hơn nửa tháng mới có thể đi lại bình thường được. Lúc này mẹ bé cấm không cho đi xe đạp nữa, còn tôi lại phản ứng khác. Đợi Bella bình phục, tôi mới bắt đầu nói chuyện với bé và giúp em rút ra bài học từ sai lầm đấy.

Tôi hỏi: “Tại sao con ngã?”

Bella: “Vì con xuống dốc, không bóp thắng, cỗ xe không được giữ chặt đảo qua đảo lại nên con ngã.”

“Vậy làm sao để không bị ngã?”. Tôi hỏi.

“Con sẽ bóp thắng, giữ cỗ xe chặt hơn”. Bella trả lời.

Vì Bella tính hơi nhút nhát, nên tôi phải làm công tác tư tưởng để cho bé ổn định cảm xúc, rồi dẫn đến con dốc chỗ bị ngã lần trước, thuyết phục bé đi lại. Nhìn thẳng vào mắt Bella bằng tất cả tình yêu thương, sự tin tưởng và tất nhiên là không thể thiếu sự kiên nhẫn để chờ đợi em sẵn sàng. Tôi lặp đi lặp lại: “Con sẽ làm được. Con có thể tự mình làm được”, thực sự đã rất khó khăn, trên khuôn mặt bé hiện rõ căng thẳng và lo lắng, nhưng rồi bé cũng làm được. Lúc này tôi chủ động ám thị tích cực: “Bella thấy chưa, con đã vượt qua được nỗi sợ của mình, con rất dũng cảm.”

Sau đó tôi cho bé làm đi làm lại thêm nhiều lần đến khi thực sự tự tin, rồi tôi nói tiếp: “Lần trước con xuống dốc, gặp xe đi ngược chiều, khiến con mất bình tĩnh dẫn đến không biết cách xử lý, không làm chủ được tay lái nên ngã”. Vậy bây giờ con hãy làm lại, tôi nhờ một vài cô cậu bé xung quanh vào vai người đi xe ngược chiều cho Bella thử lại và đối mặt với tình huống đã làm bé mất kiểm soát, dù vẫn còn một chút căng thẳng nhưng cuối cùng bé cũng làm được. Rồi nâng độ khó hơn một chút, tìm con dốc cao hơn, quanh co hơn và ở những khúc quanh tôi bố trí một vài bé đi ngược chiều để nâng độ khó lên cho Bella tập luyện. Chưa hết, tôi lại tìm một mô đất phẳng, dựng lên nhiều chướng ngại vật thử thách Bella nhằm nâng cao kỹ năng lái xe đạp, phán đoán và xử lý tình huống, cũng như tạo nền tảng nội tâm vững chắc để em có thể tự tin tham gia giao thông.

Tương tác với trẻ cần cái đầu lạnh và một trái tim nóng.

Câu chuyện 2

Trong cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” của tác giả Sara Imas có một đoạn kể về một câu chuyện như sau:

Về Israel không lâu, Huy Huy nói với tôi là nó muốn mua một chiếc xe đạp và được mẹ cho phép.

Khi đá bóng cùng bọn trẻ hàng xóm, Huy Huy hỏi chúng có ai biết ở đâu bán xe đạp không.

Brown, cậu bé mười bốn tuổi nhà bên cạnh nhanh nhẩu lên tiếng: “Tớ có biết một người cần bán xe đạp cũ, tớ sẽ giúp cậu liên hệ với anh ta.”

Huy huy vô cùng cảm động, lập tức cảm ơn: “Tốt quá rồi, cảm ơn Brown.”

Quả nhiên chưa đến hai ngày, Brown chạy sang gõ cửa tìm Huy Huy, “Tớ liên hệ giúp cậu rồi, giá cả là 150 shekel. Bây giờ bọn mình đi lấy xe được rồi đấy.”

Huy Huy lấy tiền rồi đi theo cậu bạn hàng xóm. Xuống dưới nhà, thằng bé bảo Huy Huy đứng đấy đợi, nó sang con đường trước mặt dắt xe qua. Huy Huy nhận xe, đưa tiền cho Brown, sau đó thằng bé quay lại con đường ban nãy đưa tiền cho người bán.

Mấy hôm sau, Huy Huy về đến nhà, ủ rủ nói với tôi: “Mẹ ơi, con gặp chú bán xe đạp rồi, chú ấy nói chỉ nói bán với giá 100 shekel, sao Brown lại bán cho con với giá 150 shekel? Tại sao bạn ấy có thể bán cho con đắt hơn nhiều đến thế chứ?”

Khi các bậc cha mẹ thấy con mình đưa ra quyết định sai lầm, họ đều đứng ngồi không yên, lòng như lửa đốt. Nhưng những lúc như thế, chúng ta càng phải để cho trẻ có không gian suy nghĩ, đừng ép chúng đi vào ngõ cụt.

Ngược lại, đối với tôi, khi con cái đưa ra quyết định không như ý muốn, tôi cảm thấy vui vì qua đó bọn trẻ nhận được một bài học quý giá và hình thành thói quen tự chịu trách nhiệm.

Tôi hỏi Huy Huy: “Khi Brown bảo con không cần sang con đường trước mặt, sao con lại nghe lời bạn, đứng nguyên tại chỗ? Sao con không đi theo bạn hỏi han thêm?”

Huy Huy hỏi lại tôi: “Nếu là mẹ, mẹ làm thế nào ạ?”

Con trai, mẹ không phải là con. Nếu mẹ ở đó, mẹ sẽ hủy cuộc mua bán này. Nhưng không sao, mẹ biết con rất muốn mua chiếc xe này nên con hãy coi như là mình mất tiền mua một bài học.

“Lúc đó có thể nói mua hoặc không mua sao mẹ? Lời đã trót nói ra, con không nói không được.”

Tôi chưa kịp trả lời, Huy Huy đã sực hiểu: “Mẹ, con hiểu rõ rồi, con biết mình thật quá non nớt.”

Cậu bé bán xe đạp cho Huy Huy hồi đó mười lăm tuổi, còn Huy Huy nhà tôi mười bốn tuổi. Hai từ “hiểu rõ” của Huy Huy bao hàm rất nhiều ý nghĩa, người làm mẹ như tôi không cần nói thêm nữa.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải dạy lẽ phải cho con trai. Tôi bảo Huy Huy không được vì chuyện Brown chiếm dụng 50 shekel mà mất niềm tin vào tình bạn và niềm tin vào lòng trung thực. Cái được mất trước mắt không quan trọng, quan trọng là cái được mất có thể thay đổi tích cực tính nết của mình, đó là hãy trở thành một người chính trực, làm một người lý tưởng.

Sau chuyện này, tôi không ngờ Huy Huy học được một quan niệm cơ bản về kinh doanh là nắm bắt mối liên hệ giữa giá thành và lợi nhuận.

Chi phí Brown giúp Huy Huy liên hệ với người bán xe, gọi là điện thoại liên lạc, chạy đôn chạy đáo khắp nơi, đều tính vào giá thành của chiếc xe đạp. Quan niệm này cho Huy Huy một bài học kinh doanh. Làm ăn buôn bán thì phải kiếm lời, đương nhiên giữa bạn học, giữa hàng xóm láng giềng và giữa bạn bè với nhau có thể tính theo cách khác.

“Sự kiện chiếc xe đạp” cho Huy Huy một bài học thiết thực, mặc dù bài học này có vẻ không dễ chịu lắm, nhưng lại rất đáng quý. Sau này, Huy Huy bước vào ngành kim cương, trong chuyện làm ăn, giao dịch nó luôn phân tích, suy nghĩ mọi việc thấu đáo. Gặp cơ hội nó đều không khinh suất, hấp tấp, biết suy xét ý tứ trong lời nói của đối phương, phân tích nguồn gốc và sự thật của thông tin, rồi mới quyết định ứng đối ra sao. Từ sự kiện chiếc xe đạp, Huy Huy cũng rút ra một chân lý là làm kinh doanh phải lấy thành tín làm gốc, không được tính toán cái lợi trước mắt. Như vậy, bạn bè của nó ngày càng nhiều, việc làm ăn cũng ngày càng mở rộng.

Huy Huy thường nói: “Hồi đó, mẹ không trách con bị cậu bạn hàng xóm lừa, ngược lại mẹ còn nhắc nhở con trong kinh doanh quan trọng nhất là làm người. Ở Israel, một người vừa khôn ngoan vừa xấu xa, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện làm ăn. Trong giao dịch, con chưa bao giờ sợ người khôn ngoan, con chỉ sợ người không giữ chữ tín và danh dự.”

Có một điểm chung và cũng là yếu tố cốt lõi của thành công trong cách xử lý những tình huống ở trên: “Khi trẻ mắc phải sai lầm, thất bại người lớn không nên có những phản ứng tiêu cực với trẻ như la mắng, quở trách, trừng phạt. Nhưng cần chỉ dẫn cho đứa trẻ biết bản thân chúng là người chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, nhằm tìm cách khắc phục và sửa chữa, có như thế đứa trẻ mới trưởng thành được.”

Helen Kelle là một người phụ nữ huyền thoại, một biểu tượng của nghị lực và ý chí con người nói: “Kết quả cao nhất của giáo dục là sự khoan dung”. Xuyên suốt tuổi thơ, trẻ sẽ lặp đi lặp lại nhiều sai phạm, thậm chí có những lỗi lầm chúng tái phạm đến cả chục lần. Dù bạn đã nhắc nhở, dạy bảo nhiều lần mà chúng vẫn cứ hồn nhiên tái phạm, lúc đó bạn phải làm sao? Bạn có còn đủ khoan dung với trẻ? Phần lớn chúng ta sẽ không, thay vào đó ta dễ bị mất kiểm soát, dẫn đến phạt nặng trẻ, đánh mất đi sự khoan dung, lòng kiên nhẫn. Và nếu bạn thường xuyên chạm đến ngưỡng này của cảm xúc, xin bạn hãy ghi nhớ: “Kết quả cao nhất của giáo dục là sự khoan dung.”

Những sai lầm, thất bại mà đứa trẻ gây ra không chỉ có ý nghĩa riêng với các em mà còn là bài học dành cho chúng ta. Đứa trẻ như “vị Thần” đóng vai một người vụng về, chuyên gây rối, hay phạm phải những sai lầm ngớ ngẩn để thử lòng ta. Xem liệu trong những hoàn cảnh khắc nghiệt dễ làm ta nổi lên cảm xúc, năng lượng tiêu cực như vậy, bạn có còn hòa ái, yêu thương đứa trẻ, học được bài học về lòng khoan dung và vị tha để xử lý tình huống hay không.

Không có đứa trẻ hư hỏng, chỉ có bố mẹ, thầy cô cần chữa lành.

2. Phương pháp thứ hai

Cho trẻ làm quen với sai lầm, thất bại ngay từ nhỏ. Bằng những cách như gọi con chơi các trò chơi như chạy thi, đánh cờ, vật tay, kéo co, đá cầu, đánh cầu lông, oẳn tù tì,… trẻ sẽ rất háo hức khi được chơi cùng bố mẹ những trò này. Nhưng thường trẻ sẽ thua và một số đứa sẽ không dễ dàng chấp nhận thất bại, thì bạn có thể nói cho trẻ thông điệp thực sự: “Thắng thua là chuyện bình thường, nhưng quan trọng thắng không kiêu, bại không nản. Không chỉ vậy khi thua là cơ hội để con nhìn lại nguyên nhân, từ đó tìm cách khắc phục để trở nên tốt hơn.”

Đồng thời, trong lúc tương tác, giáo dục đứa trẻ chắc chắn sẽ không ít lần bạn hiểu lầm, trách phạt oan, làm những việc sai trái với con. Điều này không thể tránh khỏi trong quá trình nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Tuy nhiên, những lần như vậy là cơ hội tốt, để làm tấm gương cho con về tinh thần biết nhận lỗi và sửa sai. Bằng cách đó bạn nhận lấy trách nhiệm về hành vi của mình trước mặt con, nên nói lời xin lỗi và cần ngồi lại trò chuyện với con rằng sai lầm đó dạy cho bạn điều gì. Việc này thật khó với nhiều người, đứa trẻ có thể dễ dàng nói ra lời xin lỗi với bạn. Nhưng nhiều người lớn trong chúng ta, thật khó khi nói ra lời xin lỗi với đứa trẻ.

Tự do chẳng có giá trị gì nếu không bao gồm quyền tự do phạm sai lầm.

3. Phương pháp thứ ba

Học từ sai lầm, thất bại của mình là khôn ngoan nhưng sẽ không bao giờ đủ, nên cần học thêm thông qua kinh nghiệm từ những người đi trước là việc vô cùng quan trọng. Như vậy, sẽ giúp ta tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, trí lực để nhận ra một bài học mà người khác có thể phải dành cả cuộc đời, thậm chí đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, xương máu để đúc kết được, từ đó giúp ta đi nhanh hơn và tiến xa trên hành trình khám phá thế giới của mình. Vì vậy khi trẻ từ 9 đến 10 tuổi, bạn có thể gián tiếp chỉ cho các em thấy được rằng sai lầm, thất bại giúp con người học hỏi và khôn ngoan hơn qua kinh nghiệm từ người đi trước.

Bài học về sự giận dữ của Thành Cát Tư Hãn. Một buổi sáng nọ, ông có nhã hứng nên cùng thuộc hạ vào rừng để săn bắn, những người đi cùng đều mang theo cung tên nhưng chỉ có nhà vua mang theo con chim ưng ông yêu thích. Vì ông cho rằng nó sẽ bắt mồi nhanh hơn và chính xác hơn bất kỳ mũi tên nào. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực lùng sục cả buổi sáng nhưng đoàn người không săn được gì cả. Đến trưa, mọi người thất vọng quay lại chỗ cắm trại. Không muốn để sự bực bội của mình ảnh hưởng đến thuộc hạ, ông rời nhóm đi một mình và dưới sức nóng của mùa hạ, ông mau chóng trở nên khát nước. Chú chim ưng rời khỏi vị trí quen thuộc trên cổ tay chủ, bay vút lên trời cao, bao giờ nó cũng tự tìm được đường quay trở về. Mọi dòng suối đều khô cạn và ông không tìm được nước để uống, nhưng cuối cùng ông cũng ngạc nhiên khi tìm thấy được một dòng nước nhỏ chảy ra từ một tảng đá ngay trước mặt.

Ông xuống ngựa, lấy chiếc cốc bằng bạc ra và hứng nước thật lâu nước mới chảy đầy cốc, nhưng vừa lúc ông đưa lên miệng thì con chim ưng bay đến giật đổ ly nước xuống đất. Vị vua giận lắm, nhưng vì quá yêu quý con chim nên ông cho rằng có lẽ nó cũng khát nước. Ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên, lau sạch bụi đất và tiếp tục hứng nước. Lần này, khi nước chỉ mới được nửa cốc, chim ưng lại lao đến tấn công và làm đổ cốc một lần nữa.

Dù rất quý con chim nhưng Thành Cát Tư Hãn không thể chấp nhận sự vô lễ như vậy, nhất là khi trong lúc ông đang khát cháy họng và tâm trạng không tốt như bây giờ. Ông trở nên mất bình tĩnh và cho rằng con chim đã đi quá xa giới hạn của mình. Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc lên và lại hứng nước, một mắt canh chừng dòng nước chảy, còn mắt kia để ý con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống thì con chim lại bay đến lao vào hất cốc nước. Quá tức giận, nhà vua vung kiếm đâm thủng lồng ngực con vật mình yêu quý, tuy nhiên chiếc cốc đã đổ và nhà vua phát hiện ra rằng chiếc cốc đã rơi xuống giữa khe đá hẹp mà không thể nhặt lên được.

“Nhất định ta sẽ tìm được nước uống từ con suối này”, ông tự nhủ, rồi tự mình lội ngược dòng lên thượng nguồn, Thành Cát Tư Hãn cũng tìm thấy vũng nước, nhưng ông kinh ngạc khi thấy rằng ngay ở giữa đó là xác một con rắn độc. Ông nhận ra rằng nếu khi nãy uống cốc nước kia, có lẽ ông đã mất mạng. Nhà vua đứng lặng người, quên cả cơn khát và chợt hiểu thông tất cả mọi chuyện. Ông trở lại khe đá, mang xác con chim ưng về. Sau đó, Thành Cát Tư Hãn ra lệnh làm một bức tượng con chim bằng vàng.

Trên cánh khắc dòng chữ: “Thậm chí, khi một người bạn làm điều gì đó anh không thích, người đó vẫn cứ là bạn của anh.”

Cánh còn lại có khắc chữ: “Bất cứ hành động nào được thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại.”

Từ đó trở đi, biểu tượng của con chim ưng vàng với hai dòng chữ được khắc trên đôi cánh luôn là biểu tượng đi đầu trong mọi đạo quân chinh phục của Thành Cát Tư Hãn.

Hành động trong sự giận dữ sẽ đánh mất sự khôn ngoan của bất cứ ai, nên hãy học cách điềm tĩnh.

Khả năng vượt qua thất bại mà không hề nản lòng, chính là tài sản quý giá nhất của tất cả những người đã đạt được thành công nổi bật trong bất kỳ lĩnh vực nào. Khi đứa trẻ hiểu rằng không có thất bại nào cả, phần lớn thất bại đều là tạm thời cho đến khi ta thực sự chấp nhận nó. Chỉ khi nào thái độ của chúng trước sự thất bại cũng giống như cách ăn mừng thành công, nó mới đạt được sự thành công thực sự.

Thỉnh thoảng trong đời sống hằng ngày, có những lúc trẻ phạm phải sai lầm, thất bại nhưng không phải lúc nào bạn cũng nên can thiệp, trong một số trường hợp đôi khi bỏ qua mà không bắt lỗi các em cũng là điều nên suy xét. Bạn cảm thấy thế nào nếu có một ai đó cứ mãi chú ý đến mình, chờ cho bản thân có sai phạm là tiến hành nhắc nhở và giáo huấn? Ngoài ra, can thiệp thường xuyên có thể ảnh hưởng đến quá trình nhận thức tự nhiên của trẻ, cũng như khả năng tự học hỏi. Cứng quá sẽ gãy, mềm quá không đứng được. Can thiệp quá nhiều và thường xuyên dù đúng hay sai đều làm đứa trẻ khó chịu, mất khả năng tự chủ. Còn để trẻ tự do, sai không sửa, thích làm gì làm nấy cũng không được. Tốt nhất là nên điều chỉnh cân bằng biết khi nào can thiệp và lúc nào nên bỏ qua.

Hãy đủ độ lượng để cảm thông và đủ khôn ngoan để không chú tâm quá mức vào hành vi của người khác. Cuộc sống là để tận hưởng chứ không phải để bạn lưu giữ, rồi luôn lao vào giải quyết những việc không vừa lòng.

Lời sám hối vĩ đại của Bố

Cha đã quên

Con trai yêu quý, con hãy nghe những lời ân hận của cha đây. Cha đã lẻn vào phòng con khi con đang chìm vào giấc ngủ trẻ thơ. Nhìn kìa, một tay con đặt dưới gò má, những lọn tóc còn đẫm mồ hôi bám chặt vào vầng trán ẩm ướt. Chỉ cách đây vài phút thôi, khi cha ngồi trong phòng đọc sách và xem lại bài viết của mình, nỗi hối hận dâng ngập tâm hồn cha. Và cha đã chạy đến phòng con để nói lời xin lỗi.

Con ơi, cha đã tức giận, quát mắng khi con cầm khăn lau mặt qua quýt trong lúc thay quần áo đi học, lúc con để đôi giày dơ bẩn hay thấy con vứt vật dụng lung tung trong nhà. Cha luôn chăm chăm nhìn thấy toàn lỗi lầm của con. Buổi sáng cha thấy con không ngăn nắp khi ngủ dậy, lại còn ăn uống vội vàng và lấy một lúc quá nhiều thức ăn vào đĩa. Vì chỉ nhìn thấy lỗi lầm nên khi con chào cha xin phép ra ngoài chơi, cha chỉ cau mày và trả lời cộc lốc không chút thiện cảm: “Hừm! Liệu mà về sớm đấy!”

Buổi chiều, cha cũng tức giận với những sơ suất của con. Khi thấy đôi vớ của con rách, cha đã làm con phải mất mặt trước bạn bè khi lôi con về nhà. Con thật sự đã khiến cha rất giận dữ vì đã không tiết kiệm, không chịu giữ gìn những món đồ mà cha đã phải vất vả làm việc dành dụm mua cho con.

Khi cha đang đọc báo, con rụt rè bước tới ngước nhìn cha với ánh mắt ngây thơ trong sáng, cha lại quát lên: “Mày muốn cái gì?”. Và trái tim cha đã xúc động biết dường nào khi con chỉ im lặng chạy đến, vòng tay bé bỏng ôm cổ cha thật chặt với tất cả yêu thương trìu mến rồi lại chạy thật nhanh ra ngoài.

Con thương yêu!

Con có biết không, tờ báo đã rời khỏi tay cha trong yên lặng và một nỗi sợ lẫn đau xót nghẹn ngào xâm chiếm cõi lòng cha. Cha đã làm gì thế này? Cha đã biến mình thành một người cha suốt ngày chỉ săm soi tội lỗi của con mình. Một người cha chỉ toàn tìm cái xấu của con mình để chê trách và đây là phần thưởng mà cha dành cho con như một đứa trẻ ư? Cha chỉ muốn con phải thế này thế nọ, cha chỉ muốn con phải cư xử như người lớn. Cha đã đo con bằng cây thước dành cho một người trưởng thành, bằng cả những năm tháng tuổi đời và sự trải nghiệm già dặn của cha.

Con yêu của cha!

Trong khi cha nhìn con bằng đôi mắt già cỗi và muộn phiền, đầy thành kiến, soi mói ấy, cha chẳng thèm biết đến những cái tốt, điều hay và sự chân thành, hồn nhiên trong tư chất của con. Trái tim nhỏ bé của con nồng ấm và to lớn như ánh rạng đông ban tặng bao tia nắng ấm cho ngọn đồi bao la. Con đã hồn nhiên lao vào hôn chúc cha ngủ ngon mà không hề vướng bận việc cha đã la mắng con cả ngày và hằn học với con vì những lý do không chính đáng.

Con thương yêu!

Cha không thể đợi thêm nữa. Cha phải nhanh chóng bước đến bên con, quỳ xuống cạnh chiếc giường nhỏ bé và nhìn khuôn mặt thơ ngây của con trong giấc ngủ với một niềm ân hận vô cùng. Có thể, con còn quá bé bỏng để hiểu những cảm xúc đang tràn ngập lòng cha. Cha hứa với con, ngay từ giây phút này, cha sẽ trở lại là người cha đích thực và luôn biết trân trọng tình yêu của con ngay cả trong giây phút nóng giận bừng bừng. Cha sẽ là người bạn trung thành của con, sẽ đau khổ khi con gặp bất hạnh, sẽ cười vui khi con gặp may mắn, sung sướng. Cha sẽ cắn chặt môi để không thốt ra những lời gắt gỏng mỗi khi con quỷ giận dữ trỗi dậy trong lòng cha. Cha sẽ tự bảo mình rằng con vẫn còn bé bỏng.

Ôi, hình như cha đã nhìn đứa con thơ dại của cha như một người trưởng thành thật sự. Giờ đây, trông con cuộn mình trong chăn và mệt mỏi ngủ yên trên chiếc giường bé xíu, Cha chợt nhận ra rằng con chỉ là một đứa trẻ thơ ngây. Sáng sáng, con vẫn nũng nịu trong vòng tay trìu mến của mẹ. Mái tóc tơ mềm mại của con còn vướng víu trên bờ vai mẹ, cần được che chở trong cảm giác được yêu thương. Vậy mà, Cha đã đòi hỏi ở con quá nhiều.

Trần Huy Toàn

Được tạo bởi Blogger.