TINH HOA GIÁO DỤC 4 (TIẾP THEO)
THẤU HIỂU CẢM XÚC - BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC
II. HÃY ĐỂ TRẺ ĐƯỢC THỂ HIỆN CẢM XÚC CỦA MÌNH, KHẲNG ĐỊNH CẢM XÚC CỦA
TRẺ VÀ GỢI Ý CHO TRẺ CHUYỂN HÓA CẢM XÚC TỪ TIÊU CỰC SANG TÍCH CỰC
1. Để trẻ thể hiện cảm xúc của mình và khẳng định cảm xúc của
các em
Thái độ chân thành của bạn là ngôn ngữ tốt nhất không gì thay thế được.
Hãy cho trẻ biết bạn thực sự đang lắng nghe và đồng cảm trước những trải nghiệm
đó của trẻ.
Những câu nói như: “Có gì đáng sợ đâu, đó chỉ là một con chó nhỏ”, hay
“Có gì đâu phải khóc, lát bạn lại trả đồ chơi cho con ngay thôi”, không khiến cảm
xúc của trẻ tốt hơn như bạn nghĩ, ngược lại khiến cảm xúc bị chôn sâu vào trong
và làm tổn thương tâm hồn trẻ thơ. Dù gì đi nữa thì bạn và trẻ cũng là những
con người tách biệt, với hệ thống cảm xúc khác hẳn nhau và góc độ nhìn cũng
khác nhau. Nên không ai đúng ai sai cả, ở đây chỉ đơn thuần là mỗi người cảm thấy
những gì mình đang cảm thấy, chỉ thế thôi.
Thay vào đó bạn nói: “Bố thấy sự sợ hãi khi con đối mặt với con chó nhỏ
đó và điều này là không hề dễ dàng”; hoặc “Mẹ thấy được rằng bị mất đi đồ chơi
là việc chẳng vui gì, có vẻ như rất nghiêm trọng với con nhỉ”. Trước hết, cảm
xúc cần được khẳng định và tạo ra tâm lý an toàn, để đứa trẻ cảm thấy được thấu
hiểu, lắng nghe và quan tâm.
Tổn thương thể chất dần có thể lành. Tổn thương tâm trí tuy vô hình
nhưng lại rất sâu sắc, nên bố mẹ, thầy cô cần suy nghĩ về điều này khi soi
“gương thần.”
2. Gợi ý cho trẻ cách chuyển hóa năng lượng, cảm xúc từ tiêu cực
sang tích cực, từ đơn giản sang vi tế
Khi một đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh bất như ý, sẽ khiến chúng khởi lên cảm
xúc tiêu cực và bắt đầu có những hành vi dạng như cào, cắn, đập phá đồ, đánh
người. Đó có thể là những hành vi bản năng của trẻ, hoặc chúng đã sử dụng lâu
ngày dẫn đến hình thành thói quen xấu khi cùn cáu, giận dữ.
Lúc đứa trẻ còn nhỏ trí hiểu biết còn đơn giản, phản xạ bản năng chi
phối mạnh mẽ. Khi nghịch cảnh đến mà đứa trẻ cùn cáu, tức giận, sau đó chúng thể
hiện những cảm xúc này ra bên ngoài bằng cách cắn, vứt đồ, đánh người khác, đó
là chuyện hết sức bình thường. Hoàn toàn phù hợp với tâm hồn trí tuệ của đứa trẻ,
cũng là sự lựa chọn hợp lý và đúng đắn nhất của trẻ trong thời điểm hiện tại.
Người lớn không nên ngăn cấm trẻ thể hiện cảm xúc, hay áp đặt cảm xúc của mình
cho trẻ và cho rằng đây là giải pháp an toàn, tốt hơn, rồi bắt các em làm theo.
Như thế trẻ sẽ không hiểu, không tiến bộ được, lần sau chúng vẫn lặp lại sai lầm.
Chúng ta nên để chúng xả bớt năng lượng ra theo cách mà đứa trẻ muốn thể hiện.
Khi đứa trẻ cùn cáu, giận dữ và gào thét, là cách đứa trẻ đẩy (xả) những
năng lượng tiêu cực ra bên ngoài, là phản ứng bản năng để bảo vệ cơ thể. Tuy
nhiên, đứa trẻ không chỉ gào thét mà còn ném đồ đi, bạn cũng không nên ngăn cấm.
Ném hết những món đồ đi, để nhận lấy bài học thưởng phạt trong hành vi, khi
chúng bình tĩnh trở lại, những món đồ chơi yêu thích bị ném đi, giờ không còn nữa.
Chúng sẽ buồn chứ, tiếc nuối chứ, như vậy chúng mới rút ra được bài học là lần
sau có cùn, cáu, tức giận cùng không nên ném đồ đi nữa. Nhưng có đứa lại không
ném đồ mà chúng lại cắn, đánh bạn để đẩy những năng lượng tiêu cực ra. Như vậy
cũng rất tốt, bạn không nên kiềm chế, la mắng trẻ. Bạn có thể trả quả (cắn lại)
đánh lại, để chúng học được bài học rằng gây đau khổ cho người khác cũng chính
là gây đau khổ cho bản thân. Sau vài lần như thế, chắc rằng đứa trẻ sẽ chọn
cách khác để đẩy năng lượng tiêu cực ra ngoài thay vì cách cắn, đánh người
khác. Hoặc khi bị trẻ cắn, trẻ đánh, bạn có thể chọn cách không chơi với trẻ một,
hay vài ngày. Đó cũng là hình phạt (thưởng phạt trong hành vi) không nhẹ đối với
một đứa trẻ. Khi không được người thân yêu chơi đùa, nói chuyện, quan tâm, đứa
trẻ sẽ buồn biết bao. Sau những lần như vậy, chúng sẽ dần nhận ra được bài học
của mình, chọn ra được những giải pháp an toàn và hiệu quả hơn để chuyển hóa
năng lượng trong người.
Khi trẻ đã đủ lớn, bắt đầu dùng lý lẽ để phân tích mọi tình huống đến
với cuộc đời chúng thì người làm cha mẹ như chúng ta cần cung cấp cho con kiến
thức về cuộc sống, về những bài học. Mỗi khi gặp nghịch cảnh kéo đến cảm xúc
tiêu cực được khuấy lên, có thể chúng sẽ chọn cách ôn hòa hơn là thể hiện ra bằng
lời nói và nói hết tất cả các cảm xúc chất chứa trong lòng, để hóa giải năng lượng
tiêu cực.
Nhưng khi tâm hồn trí tuệ phát triển lên cao hơn nữa, gặp bất kỳ hoàn
cảnh bất như ý nào, những chuyện không may, xui rủi, chúng không nổi cơn tiêu cực
lên nữa. Chúng có khả năng chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực thành năng lượng
và cảm xúc tích cực. Vì chúng hiểu ra rằng không có chuyện gì đến với mình mà
không có bất kỳ ý nghĩa gì cả. Tạo hóa gửi đến cho chúng ta những bài học không
phải để gây khổ đau cho chúng ta mà để chúng ta trở nên hoàn thiện. Tạo hóa xưa
nay vốn rất công bằng, muốn hưởng được nhiều, phải chịu được một mức tương
đương. Muốn sướng cần vượt qua khổ, thoát khổ rồi thì chỉ còn lại tích cực, yêu
thương và hạnh phúc. Khổ là nguyên liệu của sướng, càng khổ là càng sướng, vậy
tại sao không vui vẻ đối diện với khổ đau, vượt qua bài học của mình.
Trần Huy Toàn