TINH HOA GIÁO DỤC 2 (TIẾP THEO)
CỐI LÕI
CỦA GIÁO DỤC, LÀ ĐÁNH THỨC TÌNH YÊU THƯƠNG
3.1. Nuôi dưỡng tình yêu thương từ bên ngoài
Cây không có gốc liệu có vươn lên trời cao được chăng con người không
có tình yêu cũng như vậy. Đối với trẻ em, tình yêu có thể được vun đắp ngay từ
khi chúng còn chưa ra đời. Nhưng muốn nuôi dưỡng trái tim yêu thương cho con
trong lúc này, nhất thiết cần thông qua người mẹ. Mọi cảm xúc của người mẹ sẽ
trực tiếp ảnh hưởng tới thai nhi, định hình tính cách, con người con. Tuy
nhiên, cảm xúc của mẹ thường chịu ảnh hưởng đặc biệt từ người bố, cho nên kiến
tạo tương lai cho con bắt đầu từ bố. Những gì một người chồng nên làm đó là
quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, hỗ trợ, yêu thương người vợ như yêu thương chính bản
thân mình.
Do đó, thời gian mang thai người chồng cần hết sức nhạy cảm với những
nhu cầu của vợ, tạo không khí vui tươi, cảm xúc tích cực cho cô ấy. Biết cách
nuông chiều, quan tâm vợ như những ngày chạy theo chinh phục, bằng những hành động
như dẫn cô ấy đi chơi, du lịch, thỉnh thoảng thay vợ nấu cơm, dọn nhà, đôi khi
dẫn vợ ra ngoài ăn, mua tặng vợ những thứ mà cô ấy thích. Dành thời gian nói
chuyện, đi dạo, đi tập thể dục cùng nhau, mát xa chăm sóc cơ thể cho vợ, trò
chuyện với thai nhi.
Tất cả những điều đó làm cho người vợ cảm thấy được trân trọng và yêu
thương cô ấy sẽ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Em bé cảm nhận được sự chăm sóc của
bố, kết nối với bố từ trong bụng mẹ, được phát triển trái tim yêu thương ngay từ
những ngày đầu hình thành nên sự sống. Vì thế khi ra đời, chúng mang một hạt mầm
yêu thương bước vào thế giới mới.
Khi em bé vừa đến với thế giới này chúng ta nên làm gì, chăm sóc em bé
ra làm sao? Ngoài một số trường hợp cần chăm sóc y tế đặc biệt, khi em bé chào
đời cần được cha mẹ ôm ấp ngay trong vòng tay chứ không nên để trong lồng kính.
Hơi ấm lồng kính sẽ không bao giờ bằng hơi ấm của cha mẹ. Da chạm da, ánh mắt
yêu thương của cha mẹ chạm đến đôi mắt long lanh của con, chứ không phải là ánh
đèn. Ánh sáng đèn điện không bao giờ sánh bằng ánh mắt hiền dịu, trìu mến của
người thân. Người mẹ nên ở bên cạnh chăm sóc, ôm ấp, nâng niu, trò chuyện với em
bé, chứ không phải y tá hay một bác sĩ nào khác. Họ không thể thay thế cho tình
yêu của mẹ dành cho con. Tình yêu và sự kết nối được bắt đầu như vậy đó. Nếu bạn
không làm được như vậy, em bé sẽ thiếu đi dưỡng chất yêu thương. Những em bé
như vậy cho dù lớn lên phát triển như thế nào đi nữa, cũng sẽ không bao giờ cảm
thấy bình an, hạnh phúc và đủ đầy.
Người chồng cần biết rằng sau sinh, cơ thể người phụ nữ yếu như con rắn
lột xác, mỏng manh như chim non mới nở, tâm hồn dễ bị vỡ tan như bong bóng xà
phòng. Đây là khoảng thời gian đặc biệt nhạy cảm của họ. Người phụ nữ được hồi
sinh lại hay chết đi, gia đình có hạnh phúc hay đổ vỡ, phụ thuộc rất lớn vào việc
người chồng có dành thời gian bên cạnh, chăm sóc, hỗ trợ, động viên, nói những
lời yêu thương và an ủi vợ hay không. Vì đối với người phụ nữ không có điều gì
có thể tiếp thêm nhiều năng lượng, động lực, ý nghĩa hơn sự hiện diện, chăm sóc
của người chồng, người mà mình yêu thương, tin tưởng.
Sau khi ra đời bạn lại tiếp tục nuôi dưỡng hạt mầm yêu thương trong
trái tim trẻ, để chúng nảy mầm và to lớn hơn. Từ không đến ba tuổi, giai đoạn
nhất định cần phải có mẹ kề bên chăm sóc trẻ tuyệt đối. Người mẹ không được
tham công tiếc việc, tham đắm vào vật chất mà bỏ rơi con, gửi con đi nhà trẻ, để
cho một người khác chăm sóc, hoặc cho con xem tivi, điện thoại như một cách
thay thế trông trẻ. Mọi hoạt động vui chơi, sinh hoạt trong đời sống hàng ngày
với con như ăn uống, thay áo quần, tắm rửa, đọc truyện, động viên, trò chuyện,
bố mẹ cần là người trực tiếp làm, kết nối với con mà không nên trông đợi vào ai
cả.
Vào giai đoạn này cũng chưa nên tách trẻ ra ngủ riêng, đối với bé trai
nên cho ngủ cùng bố mẹ đến tuổi lên ba, với bé gái có thể tách trễ hơn ở tuổi
lên bốn. Để các bé có thể nhận được nguồn năng lượng yêu thương và sự cân bằng
âm dương có từ cả bố lẫn mẹ.
Từ không đến ba, ba đến sáu, sáu đến chín, chín đến mười tháng tuổi, rồi
từ ba đến năm tuổi.... sẽ có những khoảng ốm vào từng giai đoạn, con mệt mỏi,
có những chuyển biến tâm lý khác nhau như con khóc, mè nheo, lúc đó con cần gì
nhất chứ? Đó là tình yêu của người mẹ, chăm sóc, yêu thương nhiều hơn nữa. Để
làm được điều đó người mẹ cần có thời gian ở bên cạnh quan sát, thấu hiểu những
ngôn ngữ không lời của con mà chỉ có thể nhận biết thông qua sự kết nối giữa
hai mẹ con.
Giai đoạn này không ai có thể thay thế tình yêu thiêng liêng của bố mẹ
dành cho con cái, đây là sợi dây gắn kết vô hình Tạo hóa đã đặc ân cho những bậc
sinh thành. Nếu tách đứa trẻ ra, chúng sẽ bị mất kết nối với bố mẹ, mất kết nối
với nguồn, mất đi sự cảm nhận yêu thương, những đứa trẻ như vậy bất ổn cảm xúc
và trái tim chúng sẽ bị đóng lại. Khi lớn lên dễ có khả năng bị rối loạn cảm
xúc và khó cảm nhận thế nào là yêu thương. Một khi con người không phát triển
yêu thương, tất cả năng lượng sẽ được đẩy lên để phát triển trí não, lý trí. Điều
đó dễ dẫn đến một xã hội vô cảm, mất đi tính người, tình người, xã hội như vậy
sẽ chỉ có sự phân biệt, đấu tranh, đố kị, chia rẽ.
Hơn nữa, người mẹ cần nghỉ ngơi trong khoảng thời gian này để được phục
hồi lại thể trạng ban đầu. Sau sinh, cơ thể mẹ sẽ bị tổn thương, cần mất khoảng
ba năm để nghỉ ngơi, phục hồi, tập luyện mới về lại trạng thái ban đầu cả về
tinh thần, thể chất lẫn ngoại hình. Đây là sự hy sinh to lớn, thầm lặng về mọi
khía cạnh mà người mẹ đã chấp nhận để một em bé ra đời. Nên người chồng nói
riêng và cả xã hội nói chung cần quan tâm, thấu hiểu và dành nhiều thời gian
chăm sóc, yêu thương hơn nữa đối với những người phụ nữ sau sinh.
Tóm lại, mọi hoạt động trong giai đoạn này của người con đều cần gắn
chặt với bố mẹ, như tay liền chân, như lá liền cành. Có tình yêu đứa trẻ sẽ có
sức sống, yêu thương càng nhiều sức sống càng mãnh liệt.
Cuộc sống mà không có tình yêu thương của Mẹ, là cuộc sống thực sự vô
nghĩa.
Từ tuổi lên ba trở đi, tình yêu thương lại càng được nuôi dưỡng thông
qua những sinh hoạt bình thường trong đời sống hằng ngày của bố mẹ. Người chồng
không chỉ đi làm, lo công việc bên ngoài mà còn là một phần của gia đình, có
trách nhiệm với vợ, với con, cùng vợ giữ gìn gia đình và chăm sóc giáo dục con.
Những hành động cụ thể như vợ lau nhà, chồng dọn đồ. Vợ giúp chồng bóp chân
tay, chồng giúp vợ sấy tóc. Vợ nấu ăn, chồng phụ nhặt rau. Chồng ốm vợ chăm, vợ
mệt chồng vỗ về với những lời yêu thương. Khi con sai quấy chồng dạy dỗ, uốn nắn,
vợ bên cạnh quan sát học hỏi. Khi con bị tổn thương tâm lý, vợ vỗ về, an ủi, chồng
bên cạnh học cách kết nối và sự dịu dàng. Lúc dẫn con đi chơi, vợ chồng đứng xa
xa, vừa quan sát con vừa trò chuyện cùng nhau. Bằng những hành động đó, những sự
tương tác như vậy, đứa trẻ lúc này sẽ vô thức quan sát và lưu vào trong tâm trí
của mình. Chúng biết rằng bố mẹ chúng như thế, quan tâm, yêu thương nhau, song
hành cùng nhau, con tim chúng sẽ rung động, những giá trị về chân thiện mỹ được
hình thành như vậy đấy.
Từ 0 đến 10 tuổi, là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong việc nuôi dưỡng
trái tim biết yêu thương cho trẻ em và yêu thương chỉ có thể phát triển thông
qua tương tác. Những hành động với con hàng ngày như trước khi ra khỏi nhà, hay
lúc con đi chơi, đi học trở về, bạn có thể chào đón con bằng nụ cười, tiếng
chào, một cái ôm, cái hôn má, những lúc vui hay buồn có thể ôm con vào lòng.
Hay đơn giản chỉ là sự thể hiện tình cảm bất chợt mà trong khoảnh khắc nào đó,
bạn đến trước mặt con, ôm con và nói “Bố mẹ rất yêu con!”. Hoặc nếu dành cho
con nhiều thời gian hơn, bạn có thể viết những mẩu giấy nhỏ, thể hiện tình cảm,
cảm xúc của mình trong đó. Rồi trước khi con đi học, đi chơi, khi bạn để con ở
nhà, đặt vào một nơi nào đó cho con thấy. Đừng ngại ôm con, đừng ngại khi thể
hiện tình cảm với con, đừng do dự khi nói “Bố mẹ rất yêu con; con là tình yêu của
bố mẹ.”
Văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng thường ít
thể hiện cảm xúc như cách tôi nói ở trên, họ hay cất giữ cảm xúc thật của mình
vào trong mà không thể hiện ra bên ngoài. Tôi cũng không ngoại lệ, khi bị ảnh
hưởng bởi văn hóa mấy ngàn năm này. Lúc đầu, bản thân tôi cũng thế, thấy khó
quá, cảm thấy ngượng, chỉ cần nghĩ đến việc thể hiện cảm xúc như đã nói ở trên
tôi cảm thấy sao mà nó xa lạ đến thế. Từ nhỏ cho đến lớn xung quanh tôi có thấy
người nào làm như vậy, thể hiện như thế với mình đâu. Nhưng khi biết người khác
làm vậy có hiệu quả tốt cho việc phát triển con tim trẻ nhỏ, tôi gạt đi bản ngã
của mình sang một bên và học cái mới cho bằng được. Cho dù xung quanh tôi chẳng
có ai làm, nhưng tôi không quan tâm. Tôi biết điều tôi đang làm cần thiết thế
là đủ, còn tôi không quan tâm người khác có làm hay không, hay họ cười nhạo,
đàm tiếu về tôi. Rồi tôi thay đổi thói quen tương tác cũ với trẻ bằng một thói quen
tương tác mới, được khoảng một năm thì niềm tin về ý thức mới đã thay đổi hoàn
toàn cho tiềm thức cũ, thành một nếp sinh hoạt mới, rất tự nhiên.
Đến ngày hôm nay, cũng đã hơn một năm, bộc lộ cảm xúc nồng nhiệt với
trẻ là một phần cuộc sống của tôi. Tôi hay tương tác bằng mắt với các em, là
cách rất hay để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Có nghĩa là tôi hay nhìn đôi mắt
long lanh, óng ánh của trẻ trong khoảng vài giây nhất định. Rất nhiều, rất thường
xuyên và một cách có chủ đích, qua ánh mắt tôi gửi đến trẻ thật nhiều yêu
thương, trân quý, tin tưởng và sự tự hào. Tôi ôm trẻ cũng rất nhiều, một cách
khác để thể hiện cảm xúc và lan tỏa yêu thương của mình. Cái ôm đó như mặt trời
tỏa nắng, hoa tỏa hương, cây lớn tỏa bóng mát và trẻ nhận được nhiều năng lượng
tích cực mà tôi dành cho các em, tất cả bằng một cái ôm chỉ mất khoảng tám
giây. Những lúc như vậy tôi hay thì thầm vào tai các em những câu nói yêu
thương và lòng biết ơn: “Bố yêu con. Cảm ơn con đã ở đây, đã mang tình yêu đến
cho bố. Con là tất cả, tất cả là tình yêu.”
Không có yêu thương, mọi thứ khác đều trở nên tầm thường.
Trần Huy Toàn